Anh Nguyễn An (thuộc thế hệ 8X, Hà Nội) từng sống riêng ở chung cư còn mẹ anh có nhiều năm gắn bó trong ngôi nhà cũ ở quận Đống Đa. Tuy nhiên, gần đây gia đình có một số xáo động, mẹ anh cũng giảm sút sức khoẻ nên anh quyết định mua một căn nhà mặt đất cùng khu vực để đón bà về ở cùng, tiện chăm sóc về sức khoẻ cũng như tinh thần.
Bộ sofa gắn với kỷ niệm gia đình nên anh An vẫn để lại sử dụng.
Căn nhà có vị trí trong Phố Đặng Tiến Đông, là khu vực dân cư sinh sống lâu năm, phần nhiều là giáo viên của trường đại học xung quanh nên rất yên tĩnh. Ngõ trước nhà rộng khoảng 3m. Nhà được xây lần đầu 3 tầng vào năm 1995 với hệ tường gạch 200 và có kết cấu móng vững chắc. Mảnh đất có diện tích mặt tiền 5,8m, sâu 9m, hai cạnh bên và cạnh đáy vuông vắn nhưng mặt tiền nhà chéo theo mặt ngõ phía trước.
Với diện tích đất 52m² nhưng chỉ xây 40m², anh để chừa lại 12m² làm sân vườn phần hông bên phải nhà. Theo tư duy xây dựng của chủ nhà cũ, để ưu tiên các phòng sinh hoạt vuông vắn, nên đã đẩy trục phòng vệ sinh và cầu thang ra phần đất chéo phía mặt tiền. Phương án này có ưu điểm là các phòng sinh hoạt chính trong nhà đều vuông vắn nhưng có nhược điểm là khu vực cầu thang, trục WC bị tối do mặt tiền không mở được cửa sổ rộng.
Sau 25 năm xây dựng, ngoài kết cấu còn tốt thì công năng, hiện trạng của ngôi nhà chưa được phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình. Từ lý do đó, sau khi tính toán các phương án, anh quyết định giữ lại kết cấu xây dựng của căn nhà, gỡ bỏ toàn bộ nội thất, trần, tường, sàn và xây thêm 2 tầng (tổng thành 5 tầng) với chiều cao cho phép trong Giấy phép xây dựng là 15m.
Phân khu chức năng được chia lại: Tầng 1 gồm sảnh vào nhà, khu để xe và phòng khách (18m2) nhìn ra sân vườn tiểu cảnh (12m2); Tầng 2 gồm không gian bếp chung với ăn (18m2) và phòng kỷ niệm, nơi trưng bày ảnh, sách, đồ lưu niệm của các thế hệ trong gia đình (14m2); Tầng 3 gồm phòng ngủ 18m² và phòng học 14m²; Tầng 4 – mới xây thêm nên làm phòng ngủ master và phòng thay đồ rộng 40m²; Tầng 5 là phòng thờ, phòng ngủ phụ, không gian giặt và khoảng sân thoáng trồng cây.
Giếng trời thông thoáng và gạch kính là sự lựa chọn trên cả tuyệt vời với căn nhà của gia đình anh An.
Về phong cách và cảm hứng thiết kế thực ra không liên quan tới môi trường công việc hiện tại. Song cá nhân anh có thời gian học tập, công tác tại Nhật Bản và Trung Quốc nên rất thích phong cách viên lâm Á Đông. Theo phong cách này, trong vườn không chỉ là nhánh cây hòn đá, mà còn hàm chứa rất nhiều triết lý nhân sinh, đượm màu đạo vị.
Khu vườn bên hông nhà, trước đây được lát gạch nền, ốp gạch tường và làm bể cá, non bộ, thời gian lâu bị ẩm thấp, rêu mốc và nhiều muỗi. Anh An cải tạo thành vườn sỏi theo phong cách Nhật, chia làm hai khu vực, khu khô (có mái che) chỉ rải sỏi, làm chỗ ngồi uống trà; khu ướt (có nắng, mưa trực tiếp) để bày đá, ang nước, trồng cây.
Về ô cửa sổ tròn và tường vôi trắng, gạch hoa gió màu ghi, được phối theo phong cách viên lâm Tô Châu Trung Quốc. Về một số thủ pháp áp dụng khi cải tạo, chủ yếu căn cứ theo các tiêu chí sau: Sáng – Thoáng – Sạch – Gọn.
Hương trầm, tùng nho và thạch xương bồ.
Phiên bản Tượng Phật A DI ĐÀ chùa Phật Tích.
Khi quyết định cải tạo lại căn nhà, tiêu chí đầu tiên mà anh ưu tiên là phải tối đa thông gió và ánh sáng – những yếu tố rất quan trọng tới sức khoẻ, tâm lý người sử dụng mà lại rất xa xỉ ở các đô thị lớn ở Việt Nam, đặc biệt trong khu vực các quận trung tâm, với mật độ xây dựng cao.
Để đạt được mục tiêu này, thứ nhất là giữ lại phần diện tích 12m2 sân vườn, không cơi nới xây kín; Thứ hai là mở tối đa hệ thống cửa sổ phần nhìn ra sân vườn, sử dụng nhiều mảng tường gạch kính, gạch hoa gió nhằm lấy sáng mà vẫn đảm bảo kín đáo. Thứ ba là làm giếng trời trên khu vực cầu thang xây mới tầng 5, giếng trời hình tròn, bán kính 1m, lắp kính trong suốt giúp tăng cường ánh sáng và lưu thông không khí.
Tiêu chí thứ hai cũng là nhu cầu trong thiết kế nội thất, đồ đạc mà anh đề cập tới, đó là “ít” và “đủ”, ít đồ đạc, ít chi tiết trang trí, ít màu sắc. Muốn có ít thì phải biết đủ dùng, cái quan trọng nhất là có không gian, khoảng không trong nhà, đồ đạc càng nhiều càng phải chia sẻ không gian với chúng. Hơn nữa, ít trang trí sẽ không lo lỗi trend thiết kế theo thời gian, ít đồ đạc sẽ dễ dàng dọn dẹp, ít màu sắc sẽ giảm căng thẳng… nhà ít đồ, nên việc mua đồ, bày đồ cố gắng chọn lọc, không tuỳ tiện. Do đó, các món đồ bày trong nhà được lựa chọn theo: thứ nhất là đáp ứng tối ưu về nhu cầu, công năng sử dụng, hai là có tính kỷ niệm, ba là có đặc trưng văn hoá.
Tiêu chí thứ 3 là gần gũi thiên nhiên, hạn chế tối đa các vật liệu như nhựa, gỗ công nghiệp, đá nhân tạo, các loại keo dán, phun sơn… đảm bảo cây xanh hiện diện trong không gian sống, cắm hoa tươi, không sử dụng hoa giả…
Một góc phòng khách.
Đèn Shoji phản chiếu lên khung cửa sổ hoa gió.
Yếu tố xanh trong công trình được anh ưu tiên và chia làm 2 loại, cây trong nhà và cây ngoài trời. Cây ngoài trời là cây trồng trong vườn, chỉ giới hạn trong 4 loại: Tùng, Cúc, Trúc và Thạch Xương Bồ, đều là những loài cây mang khí chất thanh nhã, nhiều thiền ý.
Cây trong nhà được lựa chọn dựa trên các tiêu chí: phù hợp với môi trường trong phòng, hấp thụ được các khí không tốt, lá phải xanh, không rụng theo mùa, không cần bón và chăm cắt tỉa nhiều. Đó là các loại cây: Lưỡi Hổ, Chuối Cảnh, Đại Phú Gia, Bạch Mã, Trầu Bà, Thường Xuân… được anh chia rải rác trong không gian các phòng và các chậu cây trong nhà đều được đặt trên đế có gắn bánh xe di động, đảm bảo tính linh hoạt trong điều chỉnh vị trí phục vụ nhu cầu làm mới không gian và chăm sóc (luân phiên điều chỉnh các cây để được đón nắng từ cửa sổ).
Bonsai Cúc mốc.
Vườn bên hiên nhà.
Theo anh An, thời gian để hoàn thiện quá trình cải tạo chính xác là 8 tuần (2 tháng rưỡi) tính từ ngày đầu khi dỡ bỏ đồ nội thất của nhà cũ, dỡ toàn bộ trần tường sàn, xây mới thêm 2 tầng và hoàn thiện lại toàn bộ công trình đến ngày nhập trạch.
Tổng chi phí khoảng 900 triệu, trong đó công thợ khoảng 250 triệu, tất cả vật liệu xây dựng, đồ đạc là anh tự mua, thiết kế và giám sát. Sau khi hoàn thiện căn nhà, điều anh hài lòng nhất là đón được mẹ về ở cùng. Tiếp nữa là công trình hoàn thiện trong giới hạn cho phép về tài chính và thời gian, trong quá trình làm nhà được rất nhiều bạn bè hỗ trợ, anh em thợ thuyền cố gắng, tổng hoà lại là một không gian nhẹ nhàng, thư thái, ấm áp mỗi ngày trở về nhà sau công việc.
“Đặc biệt là không gian phòng khách và sân vườn, sáng sớm và tối muộn thưởng trà rất yên tĩnh. Với mình, mỗi ngày nên có 1-2 tiếng ngồi tĩnh lặng một mình, thêm vào đó là không thích ồn ào náo nhiệt rượu bia, nên không gian uống trà thật sự cần thiết” – chủ nhân căn nhà trải lòng.
Mỗi món đồ trong nhà đều gắn với một kỷ niệm.
Về chất liệu trang trí, đồ nội thất và đồ trưng bày, anh An lựa chọn theo 3 yếu tố: Đáp ứng tối ưu công năng sử dụng; có tính kỷ niệm; có đặc trưng văn hoá. Bởi vậy đồ nội thất trong nhà anh là sự phối hợp của cả đồ đóng mới và đồ cũ, như bộ sofa trong phòng khách, rõ ràng chưa ăn nhập với không gian chung nhưng mang tính kỷ niệm nên anh vẫn trân trọng.
Anh kể: “Đối với đồ trưng bày, đây là một trong những thú vui của mình. Mỗi dịp đi học tập, công tác ở nước ngoài, mình đều cố gắng tìm mua những món đồ đặc trưng văn hoá của nước đó. Bạn có thể thấy cây Đèn Tiffany của Mỹ, đồng hồ cơ để bàn của Thuỵ Sỹ, ấm đun nước Satetsu (sắt rèn kiếm Samurai) của Nhật, ấm Tử sa, bình gốm phỏng Nhữ Diêu Trung Quốc, Thangka của Bhutan, Kinh luân của Nepal… Nhưng đối với mình, những món đồ đặc biệt nhất lại chính là những món đồ đại diện tiêu biểu cho văn hoá của Việt Nam ta, luôn được bày ở chỗ trang trọng, đó là phiên bản Đầu rồng thời Lý bằng đồng mạ vàng, cùng kích thước với phiên bản Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Tổng thống Mỹ Obama năm 2016; đó là phiên bản tượng Phật A DI ĐÀ chùa Phật Tích, được Lãnh đạo Nhà nước tặng Nhật Hoàng Akihito năm 2017… những vật phẩm này đều đứng đầu ở hai tiêu chí thẩm mỹ và lịch sử”.
Trong quá trình cải tạo, theo anh An công đoạn khó nhất là phần kết nối giữa phần hiện trạng cũ và phần xây mới bên trên. Vì công trình hiện trạng xây hệ tường gạch, không có hệ khung cột bê tông nên khi muốn lên thêm tầng, anh phải làm hệ giằng bê tông gia cố tòan bộ sàn mái tầng 3, sau đó mới tiếp tục đổ cột bê tông, đổ sàn của các tầng xây mới. Công đoạn này cần tính toán kỹ càng để kết cấu đảm bảo an toàn, chắc chắn.
Sau khi hoàn tất việc cải tạo, người thân của anh rất phấn khởi vì có một ngôi nhà đáp ứng đủ công năng, sạch đẹp để ở. Bạn bè thích qua thăm nhà anh vì có nhiều góc chụp ảnh, có không gian uống trà, không gian vườn xanh mát. Gia chủ cũ cũng rất vui vì căn nhà cũ gắn nhiều kỷ niệm của họ được sửa sang mới mẻ.
Cửa sổ nhìn ra vườn và cửa vào phòng khách.
Xây dựng, cải tạo nhà là một công việc rất vất vả, như các cụ xưa đã: “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” để chỉ ra 3 mốc quan trọng được xem là thước đo đánh giá sự thành công và trưởng thành của mỗi người đàn ông trong gia đình. Do đó trước khi chính thức bắt tay vào công việc xây dựng, cải tạo, chúng ta phải làm thật kỹ công tác chuẩn bị, có thể gom lại thành một số nội dung như:
- Thứ nhất: Cân đối tài chính của gia đình, phân kỳ đầu tư hay đầu tư toàn bộ ngay.
- Thứ hai: Nghĩ xem nhu cầu thực sự của gia đình là gì; dự kiến sống tại đây bao nhiêu lâu; các thành viên trong gia đình cần những công năng sinh hoạt nào.
- Thứ ba: Cân bằng cái mình muốn và cái mình có. Cụ thể hơn là cân bằng giữa nguồn lực tài chính và mong muốn, sở thích của bản thân. Phong cách kiến trúc, cái đẹp thực ra chỉ nên xếp thứ 2, quan trọng nhất vẫn là: đảm bảo an toàn; đảm bảo đủ công năng sinh hoạt; đảm bảo sức khỏe người ở mà cụ thể ở đây là phải sạch, thoáng, gọn gàng, ít đồ đạc;
- Thứ tư: Tìm một đội ngũ thiết kế - thi công có chuyên môn; gia chủ phải đồng hành cùng họ trong mọi bước mọi khâu của quá trình thiết kế, xây dựng. Nên thuê thêm tư vấn giám sát nếu không có chuyên môn về xây dựng để đảm bảo chất lượng thi công và giảm hao hụt vật tư.
- Thứ năm: Nên có kế hoạch chuẩn bị sớm, nghiên cứu tìm hiểu càng nhiều thông tin liên quan tới việc xây sửa càng tốt. Tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng của khu vực; tôn trọng hàng xóm láng giềng.