Biết “bị lừa”, khách hàng vẫn chi hàng triệu đồng để mua cây này về chơi Tết

Trong số đó, có những cây có mặt trên thị trường vài năm nay vẫn được nhiều người ưa chuộng.

Cây hồng giả cổ

Mấy năm gần đây, thú chơi hoa hồng cổ rộ lên nhưng giá bán rất đắt. Để có được một gốc hồng cổ, người chơi phải bỏ từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Vì thế, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện hoặc “chịu chi” để mua chúng về trưng Tết.

Nắm bắt được điều này, một số nhà vườn trồng hồng đã sáng tạo ra cách làm cây hồng giả cổ. Họ sử dụng xi măng, thạch cao và rêu để đắp lên gốc của cây, sao cho có độ đẹp, cổ kính... như một cây hồng cổ thật và bán với giá rẻ hơn. Theo đó, mỗi cây hồng giả cổ sẽ được bán với giá từ vài trăm đến hàng triệu đồng.

Biết “bị lừa”, khách hàng vẫn chi hàng triệu đồng để mua cây này về chơi Tết - 1

Có những cây hồng giả cổ lên đến hàng triệu đồng.

Có kinh nghiệm 4 năm làm hồng giả cổ, anh Minh Tuấn (Thái Nguyên) cho biết loại hồng đắp gốc giả cổ này bán rất chạy vì mới lạ và độc đáo, anh không phải lo đầu ra.

“Hồng giả cổ có nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 300.000 – 1 triệu đồng/chậu (tính giá sỉ). Với những cây giá thấp, gốc của chúng nhỏ hơn, còn những cây giá cao sẽ có gốc to và đẹp, dáng thế cũng lớn”, anh nói.

Những năm trước, anh làm cả nghìn chậu để phục vụ thị trường Tết và đều “cháy” hàng dịp cận Tết. Năm nay, anh vẫn sẽ làm nghìn chậu để bán nhưng chưa biết thị trường năm nay sẽ thế nào.

Cây dâm bụt gắn quả táo

Đến hẹn lại lên, cây dâm bụt gắn quả táo chỉ xuất hiện và được bày bán trong dịp cận Tết Nguyên đán. Mấy năm trở lại đây, mặt hàng này khá hút khách mua về trưng Tết, giá bán dao động từ 150.000 – 350.000 đồng/cây.

Thoạt nhìn, cây rất đẹp, dáng thế chuẩn, quả sai trĩu cành, có cây lên tới hơn chục quả táo. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ phần cuống táo, mọi người sẽ thấy có keo dính và thân, lá là cây dâm bụt nhưng quả lại là táo.

Biết “bị lừa”, khách hàng vẫn chi hàng triệu đồng để mua cây này về chơi Tết - 3

Những cây dâm bụt gắn quả táo vẫn được bán nhiều trên thị trường cây cảnh Tết năm 2021.

Vào khoảng năm 2018, loại cây này mới xuất hiện trên thị trường thu hút rất nhiều người mua về chơi Tết. Và ít ai để ý cây táo lai dâm bụt này, họ chỉ mua về trưng Tết vì thấy đẹp.

Đến nay, mọi người đã biết không phải cây táo thật nhưng vẫn chấp nhận bỏ tiền ra mua. “Nhiều khách hàng chỉ quan tâm đến việc cây đó có đẹp hay không để về trang trí, họ không để ý tới việc cây giả hay thật nên cây vẫn bán được khá nhiều. Từ Tết Dương tới giờ, tôi bán được vài chục chậu này cho cả khách lẻ và khách sỉ rồi”, anh Hùng – một người bán cây táo lai dâm bụt này cho hay.

Cây quất ngọt Mỹ ghép ngọn

Chị Bích Thủy, một người bán quất tại đường Chân Chiên (Lê Bình, Cái Răng, Cần Thơ) cho biết cây quất này là loại ghép, gốc quất ta nhưng ngọn là quất Mỹ. Loại quất này đã có mặt trên thị trường cây cảnh Tết từ năm ngoái nhưng không nổi bật, ít người biết đến. Năm nay, cây tự dưng lại “hot”, được nhiều người tìm mua.

Biết “bị lừa”, khách hàng vẫn chi hàng triệu đồng để mua cây này về chơi Tết - 4

Cây quất ngọt ghép ngọn bán giá cao cũng được nhiều người săn lùng trong dịp Tết này.

Cây chỉ cao tầm 50-60cm, có rất nhiều hoa và quả nhỏ. Quả của chúng ăn rất ngọt và không hạt, có thể ăn cả quả không như quất ta có vị chua. Nhưng giá thành khá cao, cây không chậu giá bán từ 150-180.000 đồng/cây. Thậm chí, có những nơi bán cây có chậu lên đến 400.000 đồng/chậu.

Đợt đầu, chị Thủy mới nhập một lô 100 cây về mà bán hết veo trong vòng 2-3 ngày. Chị tiếp tục nhập thêm lô nữa vài trăm cây để bán cho những khách bây giờ đang đặt hàng.

Hiện tại, quả của quất này vẫn còn nhỏ, tầm 3 tháng trở lên mới chín. Những quả to, Tết sẽ chín rất đẹp. Sau khi chơi Tết xong, mọi người vẫn có thể trồng ra ngoài vườn và chăm sóc tiếp.

12 loại cây phong thủy theo tuổi, mệnh mang lại tài lộc và sức khỏe
Theo Anh Thư (Dân Việt)