Bộ ấm chén uống trà là một trong những đồ dùng thường nhật được sử dụng nhiều trong mỗi gia đình vào dịp Tết. Tuy nhiên, khi sử dụng lâu mà ấm chén dễ bị xỉn màu, bám vệt ố vàng. Vậy làm thế nào để làm sạch bộ ấm chén bị xỉn màu?
Cách làm đơn giản như sau:
1. Dùng kem đánh răng
Với cách làm này, bạn cần chuẩn bị kem đánh răng, 1 chiếc bàn chải đánh răng và nước sạch. Cách thực hiện như sau:
Bước 1: Rửa ấm với nước, sau đó bôi kem đánh răng lên bàn chải rồi nhẹ nhàng đánh sạch các mảng bám.
Bước 2: Rửa lại ấm, cốc chén với nước và tiếp tục dùng bàn chải có kem đánh răng chà đi chà lại 1 lần nữa.
Bước 3: Rửa sạch và dùng giẻ khô lau là sẽ thấy các vật này sáng bóng hơn rất nhiều.
2. Dùng vỏ trứng, chanh và giấm
Chanh và giấm là hai dung dịch được sử dụng rất nhiều để tẩy những vết bẩn cứng đầu bám trên nhiều vật dụng. Nhất là chanh với hàm lượng axit cực mạnh có thể đánh bay nhiều vết xỉn màu trên ấm chén. Cách làm như sau:
Bước 1: Vắt hai quả chanh hoặc sử dụng một nửa cốc giấm.
Bước 2: Sử dụng 6 vỏ trứng vò nát vào bộ ấm chén và ngâm khoảng 6 đến 8 giờ để vỏ trứng tan trong nước chanh hoặc nước giấm.
Bước 3: Dùng nước nóng rửa sạch và để khô ráo. Với cách làm này, chúng ta vừa có thể đánh bay các vết bẩn, vết ố lâu ngày bám trên ấm chén mà lại vừa làm bộ ấm chén thêm sáng bóng.
3. Dùng muối
Nguyên liệu này hoàn toàn vô hại lại rẻ tiền và có trong mọi căn bếp. Bạn có thể dùng nó là làm theo cách sau:
Bước 1: Rắc 1 lớp muối tinh lên trên miếng mút hoặc giẻ rửa bát đang ướt. Sau đó, chà trực tiếp muối lên các vết bẩn.
Bước 2: Rửa lại với nước sạch là xong. Nếu các vết bẩn vẫn còn hơi mờ mờ, bạn nên thực hiện lặp lại 1 lần nữa.
4. Dùng nghệ vàng
Bước 1: Hòa lẫn 3 thìa bột nghệ vàng vào trong 1 lít nước, sau đó ngâm cốc, ấm chén trong dung dịch này khoảng 30 phút.
Bước 2: Rửa lại các vật này với nước sạch.
Có thể nhiều người đang thắc mắc tại sao nghệ vàng lại có thể làm sạch cốc thủy tinh, ấm chén. Câu trả lời là trong bột nghệ có chứa chất Curcumin, đây không chỉ là chất có tác dụng với việc làm đẹp mà còn giúp tẩy bay các vết ố trên cốc chén.
5. Dùng bột nở
Trong hóa học, bột nở còn được gọi là natri bicacbonat – một chất có tính kiềm và được sử dụng để làm trắng các vật và chống oxy hóa.
Bước 1: Hòa 2 thìa bột nở vào 1 lít nước và ngâm cốc, chén trong 30 phút.
Bước 2: Rửa lại chúng bằng nước sạch.
Ngoài ra nếu những vết bẩn đã lâu ngày hơn thì ta sử dụng nước oxy già và amoniac.
Cách làm như sau:
- Đổ vào trong chậu 3/4 nước, 1/4 nước oxy già và một vài giọt amoniac.
- Làm ẩm vết bẩn bằng vòi nước sau đó lấy khăn thấm hỗn hợp chất trong chậu quét lên bề mặt vết bẩn.
- Cho vật dụng vào trong một túi nhựa buộc kín miệng, sau nhiều giờ nếu vết bẩn vẫn chưa hết bạn hãy làm lại thao tác từ đầu.