Cuộc sống phồn hoa nơi đô thị với những tòa nhà mọc san sát, những cửa hiệu lung linh, những tụ điểm vui chơi,… đã hấp dẫn rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng đôi khi, cuộc sống nơi thành thị với những áp lực đè nặng trên vai cũng khiến con người ta cảm thấy ngột ngạt, bí bách.
Chính vì lẽ đó mà ngày nay, không ít người đã bỏ “chốn lao xao” tìm về “nơi vắng vẻ”. Cuộc sống nơi thôn quê tuy cũng có những khó khăn, bất tiện nhưng ngày ngày được làm bạn với thiên nhiên, cây cỏ khiến họ cảm thấy thanh bình, an yên và hạnh phúc khi được sống chậm lại.
Ngột ngạt chốn đô thị phồn hoa, đôi vợ chồng 9X đánh liều dọn về nơi hoang vắng xây nhà vườn
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Thảo (29 tuổi) cũng sống trong một ngôi nhà mặt phố, ở ngay trung tâm huyện của tỉnh Đắk Lắk. Chị ở nhà chăm 2 con nhỏ và kinh doanh online, kiêm bán hàng ăn sáng trước cửa nhà.
Nhà gần trường, gần chợ, lại ở trung tâm huyện nên việc buôn bán kinh doanh rất thuận lợi. Nhưng nhà cửa san sát, đất chật người đông khiến chị cảm thấy ngột ngạt, tù túng.
“Ở trung tâm buôn bán cũng thuận lợi nhưng không có đất trồng cây, nuôi con này con kia. Gia đình chẳng bao giờ biết đến cọng rau sạch, ngày nào cũng phải đi chợ mua đồ ăn. Hai bé nhà tôi thì hiếu động nhưng toàn bị mẹ nhốt trong nhà 24/24, đôi lúc thấy con buồn chán, gò bó chân tay tôi cũng thấy buồn theo, mở cửa ra thì chỉ có tiếng xe ầm ầm và khói bụi thôi”, chị Thảo tâm sự.
Căn nhà trước và sau khi cải tạo của gia đình chị Thảo.
Thế rồi cách đây một năm, vợ chồng chị Thảo quyết định bán nhà mặt phố, chuyển về vùng nông thôn sống. Đó là một mảnh đất hoang rộng 3.000m2 nằm ở cuối xóm, nơi vắng người qua lại.
Bà mẹ hai con chia sẻ: “Khi hai vợ chồng mua mảnh đất này, mọi người trong nhà không ai can ngăn, nhưng người xung quanh như hàng xóm, bạn bè chắc cũng cười chê, vì chẳng ai lại đi tìm mua mảnh đất hoang vu như thế để mua cả.
Trước ở nơi san sát nhà cửa, giờ về nơi hoang vu đồng nghĩa với việc tôi phải từ bỏ việc buôn bán đang làm. Tuy nhiên, vì không đủ tiền mua đất vừa rộng vừa ở nơi khu đông dân nên hai vợ chồng đành đánh liều chọn mảnh đất này”.
Biến đất hoang 3.000m2 thành khu vườn nên thơ, 9X hạnh phúc với cuộc sống “tự cung tự cấp”
“Cây cối rậm rạp như cái rừng, gai góc trông sợ lắm, không có lối vào đâu. Chồng tôi đã mất rất nhiều công sức, 2 tháng trời mới dọn tạm ổn đấy. Phải cưa hết cây to, thuê máy múc múc rễ cây lên, máy cày đào xới đất, máy lu lu đường làm đường đi vào, cả sức người và tiền bạc đổ vào cũng khá nhiều thì cái vườn trông mới tàm tạm”, chị Thảo bộc bạch.
Sau đó, vợ chồng chị sửa căn nhà có sẵn của chủ cũ để ở, rồi kéo dây điện, làm giếng nước,… Việc nào tự làm được thì hai vợ chồng chị tự làm để tiết kiệm. Chi phí sau khi cải tạo, sửa chữa xong hết gần 200 triệu, chưa bao gồm sức người.
Vườn nhà chị Thảo trồng đủ loại hoa, rau củ quả.
Khoảng thời gian sau đó, chồng chị đi làm sớm tối, chị Thảo bận con nhỏ và kinh doanh online nên túc tắc “vẽ” khu vườn của mình từng chút một. Chị kể: “Tây Nguyên thì nắng gió. Mỗi lần ra vườn là mệt đứt hơi, tôi lại có con nhỏ nên tranh thủ lúc nào hay lúc ấy, làm từng chút một thôi. Cho nên, có khi có mỗi đám cỏ thôi mà ngày này nối tiếp ngày kia cũng không xong.
Trời thì nắng, đất cứng như đá, đôi khi tôi cũng oải lắm, cuốc chẳng nổi. Nhưng vì tình yêu thiên nhiên hoa lá, tôi vẫn luôn cố gắng mỗi ngày, kiếm chút rau sạch cho gia đình, có hoa xinh để ngắm mỗi khi căng thẳng, mệt mỏi”.
Chị dành nửa mảnh đất để trồng dứa và ngô.
Sau bao ngày cố gắng, giờ đây khu vườn của gia đình chị Thảo đã có đủ các loại rau và hoa. Bà mẹ hai con cho biết, chị dành ra một nửa mảnh đất để trồng dứa, xen với ngô cho gà, còn một nửa để thỏa mãn sở thích trồng hoa, trồng rau của chị.
“Đất rộng trồng thích lắm, mà mỗi lúc làm cỏ cũng oải (cười). Cỏ lên nhanh hơn cả rau, hoa. Rồi trồng nhiều khi nó chết lên chết xuống, chứ không phải trồng một lần là được ngay”, 9X chia sẻ.
Mặc dù mệt nhưng được thấy con chạy nhảy thỏa thích chị thấy rất vui và hạnh phúc.
Chị Thảo trồng rau theo mùa, chẳng hạn như vào mùa nắng nóng, chị trồng rau cải, mồng tơi, rau ngót, bầu, bí, mướp,… Tuy nhiên, rau ở đây tươi tốt nhất là vào mùa lạnh cuối năm. Ngoài ra, chị còn trồng thêm cây ăn quả, nhưng có lẽ vài năm nữa mới có ăn.
Dù công việc làm vườn vất vả, da sạm đen đi vì nắng gió Tây Nguyên, nhưng sáng sớm mở cửa ra được hít thở bầu không khí trong lành, chiều chiều được nhìn thấy các con vui đùa thỏa thích, mẹ đảm cảm thấy rất mãn nguyện và hạnh phúc. “Từ khi chuyển về đây, mỗi chiều hai nhóc nhà mình đều được tung tăng chạy nhảy. Ra vườn cùng mẹ, hai bé thích lắm. Được ăn đồ ăn sạch, hít thở không khí trong lành, thì bao nhiêu mệt nhọc trong mình cũng tan biến”, chị Thảo nói.