Anh Nguyễn Ngọc Anh Huỳnh (42 tuổi, TP.HCM) có khoảng 10 năm kinh nghiệm làm vườn và từng thử qua nhiều phương pháp trồng rau khác nhau trước khi sử dụng mô hình aquaponics. Theo ông bố 2 con, mô hình này có nhiều tiện ích và tính bền vững, giúp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức làm vườn nhờ vào hệ thống tự động, hoàn toàn khép kín.
"Hiện nay aquaponics là mô hình trồng rau khó nhất trong các mô hình, và cũng ít được lựa chọn vì chi phí đầu tư khá cao so với các hệ thống khác. Tuy nhiên nếu nói về tính tiện lợi và an toàn thì đến nay mình chưa thấy hệ thống nào qua được nó. Về cơ bản, aquaponics là nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng rau nên khi thu hoạch, mình sẽ có cả cá và rau, cho tính kinh tế cao", anh Huỳnh cho biết thêm.
Một góc vườn nhà anh Huỳnh được trồng theo mô hình aquaponics.
Hiện tại, anh Huỳnh sở hữu vườn rộng 45m2, đủ cung cấp rau sạch và cá cho gia đình 4 người. Ngoài việc cung cấp thực phẩm sạch và an toàn cho cả gia đình, ông bố 2 con còn mày mò kiến thức trồng trọt và chia sẻ cho những người bạn cùng đam mê.
Đầu tư 50 triệu đồng trồng rau nuôi cá trên sân thượng
Anh Huỳnh chia sẻ anh bén duyên với vườn được hơn 10 năm. Ban đầu, anh đam mê bộ môn thủy sinh nên làm vườn ươm trân châu cây thủy sinh. Mãi 5 - 6 năm sau, anh mới kết hợp trồng thêm rau và cây ăn trái theo mô hình vườn đất truyền thống nhưng cảm thấy không khả thi. Anh cho biết: "Lúc đầu mình trồng bằng đất, sau đó thấy không khả thi và rất vất vả với khâu khuân đất lên sân thượng, rồi hết mùa rau lại tốn thêm tiền mua phân bón, trộn đất đủ thứ".
Với mong muốn trồng được rau sạch, an toàn tuyệt đối cho gia đình, anh Huỳnh còn thử thêm các phương pháp trồng thủy canh bằng dung dịch và trồng rau hữu cơ. Sau cùng anh lựa chọn aquaponics vì tính an toàn và tiện lợi.
Vườn nhà anh Huỳnh chia là 2 khu vực, chạy bằng hệ thống tự động dựa trên nền tảng aquaponics. Khu sân thượng rộng khoảng 20m2, anh trồng khá nhiều loại rau và cây ăn trái như rau muống, mồng tơi, cải bẹ xanh, cải thìa, bó xôi, sung Mỹ, dưa lưới,... Hầu hết các giống cây trồng để có thể phát triển khỏe mạnh trên hệ thống aquaponics. Trong hệ sân thượng, anh còn nuôi rất nhiều cá như cá trê, diêu hồng, rô phi, rô đồng, cá mú úc, tôm kiểng và guppy "cá bảy màu".
Hệ thống vườn sân thượng nhà anh Huỳnh cung cấp cả rau, trái và thủy sản cho gia đình.
Còn hệ thống trên nóc nhà rộng khoảng 25m2 thì làm hồ tầm 300 lít nuôi cá trê tượng, vài con tôm kết hợp thêm một số guppy. Hệ thống này cũng chạy trên nguyên lý aquaponics, nhưng anh Huỳnh bổ sung thêm phân hữu cơ tự làm như dịch cá thủy phân và dịch ấu trùng ruồi lính đen, giúp hạn chế sâu rầy tấn công rất tốt.
Toàn bộ khu vườn đều do anh Huỳnh tự mày mò và thiết kế. Anh cũng từng lắp đặt sai, phải tháo ra lắp lại. Tính tới thời điểm hiện tại, chi phí đầu tư cho 2 hệ thống vườn là khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Huỳnh cho biết nếu nắm bắt được nguyên lý và có kinh nghiệm thì chỉ cần 20 - 30 triệu đồng là đã có được khu vườn 45m2 đầy đủ thiết bị và tự vận hành một cách trơn tru, bền vững.
Anh Huỳnh đầu tư 50 triệu đồng cho hệ thống vườn aquaponics.
Khu vườn dành cho những người... lười
Anh Huỳnh cho biết vì aquaponics là hệ thống hoàn toàn tự động và khép kín nên tiết kiệm nhiều công sức chăm sóc, phù hợp cho những người bận rộn. Anh chia sẻ: "Hệ thống tự động cho cá ăn. Phân cá tự chuyển hóa thành dinh dưỡng nuôi cây. Máy bơm nước tự động tưới cây từ nước hồ cá. Nước dư ở khay rau trả về lại hồ nuôi cá. Hoàn toàn tuần hoàn và khép kín.
Mình không mất nhiều thời gian làm vườn nếu lắp đặt hệ thống đúng chuẩn vì nó sẽ tự chạy. Việc còn lại là mình gieo hạt, trừ sâu, chăm cây, thu hoạch,... thì mô hình nào cũng phải làm".
Mô hình aquaponics lý tưởng cho những người bận rộn, "lười" làm vườn vì có hệ thống tự động.
Không chỉ tiết kiệm công sức, vườn aquaponics còn giúp tiết kiệm nước và nhiều chi phí liên quan nhờ vào hệ thống tuần hoàn khép kín. Được biết, tiền nước là không đáng kể nhưng bù lại tiền điện sẽ rơi vào khoảng 100.000 - 200.000 đồng/tháng tùy vào hệ thống được lắp đặt.
Hiện tại, ngoài hệ thống aquaponics, anh Huỳnh còn đang thử nghiệm mô hình xử lý rác bằng ấu trùng ruồi lính đen, để tạo phân hữu cơ liên tục và góp phần giải quyết vấn nạn rác thải nhà bếp, tạo ra được ấu trùng cho tôm cá mình ăn tại chỗ. Khi kết hợp 2 hệ thống này làm vườn nóc nhà, anh nhận được kết quả rất khả quan, rau xanh lên mơn mởn và không cần phun ngừa sâu gầy.
Ngoài cung cấp rau sạch, vườn còn là nơi cả gia đình anh Huỳnh quây quần.
Sau 10 năm làm vườn, anh Huỳnh rút ra một số kinh nghiệm và có 2 nhóm chia sẻ tài liệu làm vườn."Kinh nghiệm làm vườn của mình là cả nhà cần kiên nhẫn và đọc nhiều tài liệu liên quan, từ việc gieo hạt, trồng các loại cây thích hợp với diện tích khay rau và điều kiện thổ nhưỡng xung quanh. Tham khảo nhiều mô hình trên mạng rồi rút ra cho mình mô hình nào thích hợp với tài chính và sở thích riêng", ông bố 2 con bật mí.