Anh Bùi Minh Tuấn là tổng bếp trưởng của một trung tâm sự kiện chuyên về ẩm thực ở Hà Nội, vốn công việc vô cùng bận rộn khi mỗi ngày phải nấu nướng cho hơn mấy nghìn thực khách. Song anh vẫn cố gắng sắp xếp công việc, dành một khoảng thời gian trong ngày cho việc trồng rau, nuôi gà trên chính sân thượng rộng rãi 54m2 của gia đình.
Toàn cảnh sân thượng rau sạch của gia đình anh Minh Tuấn.
Phun dung dịch tỏi, ớt, gừng, quả bồ hòn… để phòng bệnh
Với mong muốn có được nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho gia đinh, anh Tuấn đã bắt đầu lên kế hoạch trồng rau từ khi bắt đầu thiết kế nhà mới. Cũng giống như nhiều nông dân sân thượng khác, mục đích ban đầu là vì sức khỏe, nhưng càng trồng anh lại càng ham.
Anh kể: “Mình trồng rau để yên tâm hơn khi thấy gia đình được ăn thực phẩm rõ nguồn gốc. Nhưng càng trồng càng thấy vui. Trồng rau trên sân thượng tuy vất vả nhưng đổi lại, mình được gặp gỡ, giao lưu với những người bạn cùng sở thích, được trò chuyện nhiều hơn với vợ khi cùng nhau chăm sóc rau quả trên sân thượng”.
Theo anh, ngay khi xây nhà anh đã thiết kế trải lưới thủy tinh quét lớp chống thấm sau đó lát gạch đỏ để bắt tay trồng rau lâu dài, ngăn việc thấm mái tầng thượng. Ngay từ đầu khi trồng rau ở nhà mới, anh Tuấn đã chi khoảng 30 triệu đồng để làm chuồng cọp, khung kim loại bao quanh, làm khung mái phía trên để giảm bớt nắng gió. Ngoài ra, anh còn thiết kế chân kệ để kê cao các chậu rau, vừa tạo hàng lối vừa giúp tránh thấm trần khi tưới nước cho rau quả.
Nhờ làm khung giàn kiên cố, anh Tuấn trồng được nhiều rau quả hơn.
Mỗi loại rau củ quả sẽ được phân bổ khu vực riêng biệt.
Ban đầu anh Tuấn trồng rau trong các thùng xốp. Năm 2016, anh đầu tư các chậu ghép để trồng nhiều loại rau và tiện cho việc chăm sóc lâu dài. Khu vườn được nghiên cứu và thiết kế khá kỳ công với tổng chi phí lên đến gần 70 triệu. Ưu điểm của các chậu ghép này là có hệ thống trữ nước dưới đáy để cây có thể tự hút khi chưa kịp tưới.
Ông bố trẻ cho biết, việc trồng rau trên sân thượng khó nhất là việc vận chuyển đất. Để có được vườn rau như hiện tại, anh Tuấn phải vác khoảng 5 tấn đất trong vòng 6 tháng lên sân thượng tầng 5. Ngoài việc đam mê thì phải có tính kiên trì bởi việc trồng rau trên sân thượng khó hơn nhiều so với mặt đất. Trên cao nắng gió, mưa dầm rất khắc nghiệt. Thứ nữa nguồn dinh dưỡng trong đất phải dồi dào, đất phải tơi xốp ngấm nước nhanh và thoát nước cũng phải nhanh thì cây mới tồn tại được.
Chia sẻ về bí quyết trồng rau, chăm rau, anh Tuấn cho biết: “Đối với rau ăn lá thông thường, mình chỉ chú ý khâu xử lý đất và trộn đất ban đầu. Còn với rau quả dài ngày, mình thường tập trung bón phân theo định kỳ, bổ sung dinh dưỡng bón lót lúc trồng cây con. Mình chọn phân bò đã qua xử lý và phân gà hoai mục để tưới cho cây”.
Sân thượng được anh trồng khá nhiều bắp cải.
Thời gian đầu trồng rau, anh Tuấn cùng vợ thường dành thời gian buổi sáng sớm thức dậy để tưới nước. Nhận thấy công việc này mất khá nhiều thời gian nên anh đã chọn cách thiết kế thêm hệ thống tưới nước tự động. Đây cũng là giải pháp vô cùng hiệu quả dành cho những người bận rộn như vợ chồng anh.
Anh Tuấn cho biết thêm, mùa đông là mùa ít nắng nên sâu bệnh xuất hiện khá nhiều. Mỗi buổi sáng sớm và tối muộn, vợ chồng anh lại lên sân thượng xới đất, bắt sâu. Ngoài ra anh còn phun định kỳ dung dịch tỏi, ớt, gừng, quả bồ hòn… để phòng bệnh cho cây.
Mùa nào thức ấy, vườn rau của gia đình anh Tuấn luôn xanh tốt và cung cấp đủ nguồn rau xanh cho gia đình như: rau đay, mồng tơi, rau muống, đậu đỗ, bí đỏ và hàng chục loại rau gia vị khác…
Dàn cà quanh sân thượng.
Nuôi gà và làm bể cá
Không chỉ dừng lại ở trồng rau, vì muốn cung cấp gần như tuyệt đối thực phẩm sạch cho gia đình, anh Tuấn còn nghiên cứu, đọc nhiều tài liệu về nuôi gà ở nhà phố để thiết kế thêm chuồng gà, tăng nguồn thực phẩm sạch cho gia đình.
Anh cho biết, nếu biết cách làm chuồng, xử lý phân, nuôi gà trên sân thượng là một ý tưởng tuyệt vời. Bởi nuôi gà không tốn nhiều diện tích, không làm ảnh hưởng đến hàng xóm và gia đình, lại có thêm thịt và trứng sạch.
Nói về dự định sắp tới cho khu vườn trên sân thượng nhà mình, anh dự định sẽ làm thêm hệ thống bể nuôi cá nước ngọt giúp tạo sự phong phú cho bữa ăn hàng ngày. Theo anh, nuôi gà và cá sẽ vừa có thịt để ăn, vừa có nguồn phân bón hữu cơ phục vụ cho việc trồng rau.
Trứng gà sạch ăn quanh năm.
Anh còn trồng cả su hào.
Như vậy rau có phân gà, phân cá để bón tạo thành một quy trình khép kín, giảm bớt chi phí mua phân hữu cơ bên ngoài mà lại đảm bảo, gia đình có gà, có cá, có rau để làm thực phẩm.
Nhìn ngắm công trình trên khoảng sân thượng chưa đầy 60m2 xanh mướt với đủ loại rau củ quả, anh Tuấn cảm thấy vô cùng mãn nguyện. Đây không chỉ là nơi cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình mà còn là nơi để các con anh cùng bố mẹ tưới rau, bắt sâu, nhổ cỏ, giúp gần gũi thiên nhiên, thêm yêu môi trường xanh sạch đẹp ngay tại nơi mình sinh sống.
Chủ nhân của khu vườn chia sẻ: “Nuôi gà và cá sẽ vừa có thịt để ăn, vừa có nguồn phân bón hữu cơ phục vụ cho việc trồng rau”.