Ngày nay, trồng rau trên sân thượng đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các gia đình ở thành phố. Tận dụng được không gian trống để trồng được rau củ quả cho gia đình sử dụng thì ai mà không thích.
Để làm được việc đó, người trồng rau cần tuân thủ nguyên tắc 5 bón phân đúng sau:
1. Bón đúng loại phân
Có rất nhiều loại phân bón cung cấp dưỡng chất cho cây trồng. Tuy nhiên, mỗi loại có những đặc điểm riêng và có tác dụng khác nhau. Do đó, khi bón phân cho cây cần phải bón đúng loại cây trồng cần, thì cây trồng mới hấp thu và sinh trưởng tốt.
Đúng loại phân không những dựa vào nhu cầu của cây mà còn phải dựa vào đặc điểm và tính chất của đất. Đất chua không bón các loại phân có tính axit. Ngược lại, trên đất kiềm không nên bón các loại phân có tính kiềm.
2. Bón đúng lúc, đúng lượng
Đối với cây trồng, nhu cầu về dinh dưỡng thay đổi tuỳ theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có giai đoạn cây cần đạm nhiều hơn kali, có giai đoạn cây cần kali nhiều hơn đạm,... Bón đúng thời điểm cây cần thì mới phát huy được hiệu quả của phân bón.
Cây trồng có nhu cầu về dinh dưỡng suốt cả chu kỳ sinh trưởng phát triển. Do đó khi bón phân cho cây, cần chia ra bón nhiều lần và bón vào lúc cây cần, để cây hấp thu hiệu quả nhất. Tránh bón một lượng quá nhiều vào một lúc vì, nồng độ và liều lượng phân bón quá cao, ảnh hưởng xấu đến bộ rễ và sự sinh trưởng của cây. Ngoài ra, cây không thể sử dụng hết dẫn đến lãng phí và ảnh hưởng xấu đến môi trường.
3. Bón đúng đối tượng
Bón phân có nghĩa là cung cấp dinh dưỡng cho cây. Do đó, đối tượng của việc bón phân là cây trồng. Ngoài ra, một số chất dinh dưỡng được tập đoàn vi sinh vật đất cung cấp cho cây thông qua việc phân huỷ các chất hữu cơ hoặc cố định từ không khí. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy: bón phân để kích thích và tăng cường hoạt động của tập đoàn vi sinh vật đất nhằm cung cấp cho cây một số chất dinh dưỡng cần thiết với số lượng đầy đủ và cân đối. Trong trường hợp này, đối tượng gần nhất của bón phân là tập đoàn vi sinh vật đất.
Trong canh tác, cũng có trường hợp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt tạo nên nguồn thức ăn dồi dào cho sâu bệnh tích luỹ và gây hại nặng. Càng bón thêm phân, sâu bệnh càng phát sinh và gây hại nặng hơn. Những trường hợp này, khi bón phân cần nhằm đạt mục tiêu là ngăn ngừa sự tích luỹ và gây hại của sâu bệnh.
4. Đúng thời tiết, mùa vụ
Thời tiết có ảnh hưởng đến hiệu quả phân bón. Mưa làm rửa trôi phân bón cây không thể hấp thu được, gây lãng phí về kinh tế và ô nhiễm môi trường. Nắng gắt cùng với các phản ứng của phân bón có thể cháy lá, chết cây,... Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây trồng ở từng vụ khác nhau, nên nhu cầu đối với các nguyên tố dinh dưỡng cũng khác nhau. Lựa chọn đúng loại phân, dạng phân và thời vụ bón hợp lý có thể nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón trong sản xuất.
5. Bón đúng cách
Có nhiều phương pháp bón phân: bón vào hố, bón vào rãnh, bón rải trên mặt đất, hoà vào nước phun lên lá, bón phân kết hợp với tưới nước,… Có nhiều thời kỳ bón phân: bón lót, bón thúc đẻ nhánh, thúc ra hoa, thúc đậu quả,… Cần lựa chọn đúng cách bón, thích hợp cho từng loại cây trồng, cho từng thời vụ canh tác, từng loại đất,… sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp.