Thời điểm tháng 6, tháng 7 là lúc cái nóng đỉnh điểm diễn ra khắp cả nước. Có những lúc nhiệt độ ngoài trời bê-tông đo tới gần 50 độ C. Không khí oi bức khiến nhiều người cảm thấy ngột ngạt. Thế nhưng, kinh hoàng hơn là tình trạng mất điện, mất nước xảy ra luân phiên. Dù ở trong nhà nhưng vẫn cảm thấy cái nóng hầm hập đang phả xung quanh.
1. Khi ngủ ban đêm
- Dùng quạt
Một chiếc quạt thổi nhè nhẹ khiến không khí lưu thông đều khắp phòng. Kể cả khi sử dụng điều hòa nhiệt độ, quạt cũng giúp căn phòng mát hơn vì không khí được tản đều. Nếu bạn không thích cảm giác không khí thổi trực tiếp vào người khi ngủ thì có thể sử dụng quạt treo tường.
- Nệm nước
Nệm nước, giống như một chiếc đệm không khí, nhưng đầy nước. Nước hấp thụ nhiệt nhiều hơn so với không khí, do đó, nệm nước khiến bạn có cảm giác như đang nằm trên hồ bơi, cảm thấy mát mẻ. Tuy nhiên, nằm ngủ trên đệm nước có cảm giác bị võng lưng và lềnh bềnh nên khiến nhiều người cảm thấy khó ngủ nếu không quen. Do vậy, nếu có thể thì bạn nên thử trước khi mua.
- Gối "đá"
Đặt một cái gối nhỏ trong tủ đá một hay hai giờ trước khi bạn đi ngủ. Để tránh băng đóng thành tảng trên bề mặt gối, bạn nên bọc gối trong túi ni-long trước khi cho vào tủ.
- Gối vải
Sử dụng lụa hoặc gối satin. Các loại vải này sẽ giúp bạn cảm thấy mượt mà và mát hơn khi bạn ngủ.
- Ngủ dưới sàn nhà
Trọng lượng riêng của không khí ấm nhẹ hơn không khí lạnh nên xếp ở lớp trên cùng của không khí. Không khí lạnh nằm sát ở bên dưới. Nếu nhà bạn có nhiều tầng thì tầng 1 bao giờ cũng là nơi mát nhất.
2. Giải nhiệt ngôi nhà
- Tiết kiệm điện năng
Áp dụng các biện pháp giảm thiểu tối đa các hoạt động sinh nhiều nhiệt. Bạn nên hạn chế sử dụng TV, máy tính vào ban ngày vì nó sinh ra rất nhiều nhiệt. Chuyển từ bóng đèn sợi đốt tỏa nhiều nhiệt sang đèn huỳnh quang hoặc đèn LED. Bạn có thể trì hoãn việc giặt giũ, xem TV đến buổi tối vào những ngày nắng nóng.
- Đóng kín rèm cửa vào ban ngày
Đóng rèm cửa trong ngày sẽ giúp ngăn chặn sức nóng của mặt trời. Đừng để ánh sáng và hơi nóng ngoài đường bốc nhiều vào trong nhà. Bạn hãy chắc chắn rằng khi những tia nắng đầu tiên ló dạng thì phải thức dậy và đóng rèm, cửa sổ ngay lập tức. Thời gian mặt trời mọc mùa hè rất sớm - khoảng 5 giờ sáng.
Để bảo vệ tốt hơn, gia đình nên sử dụng rèm cửa cách nhiệt, hoặc dán kính màu cho cửa sổ (giống như đối với ô-tô, kính màu ngăn ngừa sự dẫn nhiệt ra ngoài trời vào mùa đông, vào mùa hè thì chặn bức xạ mặt trời). Nếu không dán kính màu, bạn có thể cắt các miếng bìa các-tông hoặc giấy báo để dán tạm cửa kính.
- Chú ý màu sắc và chất liệu của rèm cửa
Ngoài ra, sử dụng rèm cửa sổ màu trắng hoặc các màu sáng. Dù đã đóng kín cửa sổ thì rèm có thể giúp giảm được nhiệt lượng từ mặt trời khoảng 40 - 50%.
Những chiếc rèm cửa bằng nan gỗ hoặc nan tre treo ở mặt ngoài của cửa sổ có thể giúp giảm được khoảng 60% nhiệt lượng nóng từ ánh nắng mặt trời.
- Đóng cửa sổ vào ban ngày và mở vào ban đêm
Đóng chặt các cửa sổ trong ngày, đặc biệt là hướng Đông và hướng Tây, của ngôi nhà trong suốt cả ngày để ngăn nhiệt nóng từ bên ngoài phả vào trong nhà.
Mở cửa sổ vào ban đêm. Nếu bạn vẫn đóng cửa, chúng sẽ lưu trữ nhiệt ban ngày và ngôi nhà của bạn sẽ không "nguội đi" nhanh.
- Trồng cây trong nhà
Trồng cây xanh trong nhà cũng giúp giải nhiệt không khí khi hút khí CO2 và thải ra khí Oxy vào ban ngày. Tác dụng thanh lọc không khí của một số loại cây trồng trong nhà giúp hút bớt các hóa chất độc hại trong không khí thải ra từ sinh hoạt hàng ngày cũng khiến bạn cảm thấy dễ thở hơn.
3. Tự chế "điều hòa"
- Tự làm quạt thổi đá
Bạn cần chuẩn bị 1 chiếc quạt, 2 chai nước lọc, muối. Đầu tiên, mở nắp chai và thêm khoảng 2-3 muỗng muối. Muối ăn làm tăng hoạt tính của nước khiến đá lạnh và lâu tan hơn bình thường. Tiếp theo, vặn thật chặt nắp chai và để vào ngăn đá tủ lạnh qua đêm. Trước khi ngủ, bạn lấy chai nước đá ra và đặt trước quạt. Bật quạt và cảm nhận không khí mát rượi và sảng khoái.
- Tự làm điều hòa từ thùng xốp
Máy điều hòa không khí giá rẻ làm từ hộp nhựa rất dễ làm khi chỉ tốn của bạn chưa đến một tiếng đồng hồ. Bạn sẽ cần 1 thùng nhựa/xốp, 1 quạt điện mini, 1 đoạn ống nhựa hình chữ L ngắn, đá lạnh, bút, keo dán, dao và băng dính.