Vườn sân thượng, vườn ban công vừa là góc thư giãn lý tưởng, vừa là nguồn cung cấp thực phẩm an toàn và tiện lợi.
Tuy nhiên, để có một vườn sân thượng hiệu quả và đảm bảo đầy đủ các yếu tố, đầu tiên cần lưu ý đến thiết kế chống thấm, tưới tiêu, che chắn.
Trước khi tính toán trồng cây gì, mua đất thế nào thì việc quan trọng hơn cả là chống thấm. Bởi nếu không có hệ thống chống thấm thì chỉ sau một thời gian ngắn, nước từ đất sẽ ngấm vào trần, sàn nhà, gây hư hại cho ngôi nhà. Việc chống thấm cần được lên kế hoạch ngay từ khi xây dựng nhà hoặc phải được thực hiện bổ sung khi có ý định thiết kế sân vườn.
Xây dựng hệ thống chống thấm - tưới tiêu - che chắn là bước quan trọng để bắt đầu tạo ra vườn sân thượng.
Tiếp đó bạn nên thiết kế một hệ thống dẫn nước, tưới nước tự động để có thể tiết kiệm thời gian, sức lực và đảm bảo khu vườn luôn được phát triển một cách tốt nhất. Ngoài ra, ban công, sân thượng luôn là những vị trí hứng nắng, gió, mưa nhiều nhất nên cần đảm bảo che chắn sao cho cây trồng không bị ảnh hưởng.
Thứ hai là thiết kế phù hợp với không gian. Tùy theo diện tích của ban công, sân thượng, điều kiện ánh sáng, che chắn, mật độ nhà xung quanh mà bạn có thể tạo ra khu vườn của mình.
Trong đó hiết kế vườn đứng, treo phù hợp với các ban công nhỏ, bạn có thể tận dụng các nội thất cũ như tủ đứng, giá sách,... để đặt các chậu cây, hoặc liên hệ thiết kế nhà vườn chuyên nghiệp để có một khu vườn đứng phù hợp.
Thiết kế vườn đứng, vườn treo giúp tiết kiệm không gian hiệu quả cho những ngôi diện tích bề ngang hẹp.
Còn thiết kế vườn ngang, giàn, dây leo phù hợp với sân thượng, với không gian rộng hơn bạn có thể đặt nhiều chậu lớn, thậm chí đổ thẳng đất lên sân thượng (với điều kiện chống thấm tốt) khi trồng các loại cây ngắn ngày.
Quá trình nghiên cứu, thiết kế và tạo dựng vườn nhà cần người “nông dân” nhiều sự đầu tư và kiên nhẫn. Tuy nhiên, “quả” thì rất ngọt ngào.
Chậu hoặc thùng chứa cũng là yếu tố quan trọng đối với vườn sân thượng. Các chậu trồng cần lớn hơn so với cây để hạn chế việc thay chậu. Tuy nhiên, bạn phải đảm bảo là chậu dễ di chuyển và không quá nặng.
Thứ ba là lựa chọn loại cây trồng phù hợp. Nếu bạn thích một khu vườn thuần giải trí, trưng dụng các loại hoa, cây cảnh thì có thể biến ban công, sân thượng của mình thành một góc thư giãn.
Dù là xây dựng một khu vườn với mục đích giải trí hay nông nghiệp, diện tích nhỏ hay lớn, bạn đều cần thiết kế phù hợp và an toàn với gia đình.
Trong đó trồng các loại cây leo như hoa giấy, hoa tigon, sử quân tử, tử đằng, thiên lý... vừa làm đẹp vừa tạo bóng mát, điều hòa không khí cho ngôi nhà. Trồng xen kẽ các cây cảnh chịu nắng hạn tốt như dây nhện, sen đá, xương rồng, hoa dừa cạn, nha đam (lô hội)...Còn đồ nội thất, trang trí thì có thể gắn thêm đèn để thắp sáng vào ban đêm. Đặt bộ ghế sofa hoặc bàn ghế gỗ nhỏ để tạo nên không gian ngồi đọc sách và uống trà.
Còn nếu bạn muốn tạo một khu vườn trồng rau củ quả thì nên lưu ý việc sử dụng đất và phân bón hữu cơ để đảm bảo cây sống khỏe, cho trái tốt. “Mùa nào thức ấy” để cây phát triển khỏe mạnh, tránh sâu bệnh, đỡ tốn công chăm sóc.
Trồng các loại rau ngắn ngày, dễ sống, phù hợp với nhu cầu ăn uống. Xà lách, các loại rau thơm (thì là, hành, mùi, húng…), cà chua, rau muống, rau dền, các loại cải… đều là những lựa chọn tốt.
Trồng rau tại nhà không chỉ mang lại nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình mà còn giúp bạn thư giãn, rèn luyện sự kiên nhẫn, trí tưởng tượng và khả năng quản lý.