Với vị ngọt thanh, tươi mát và hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào như chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa,... nên thanh long là một loại trái cây được rất nhiều người yêu thích. Loại cây này cũng rất dễ trồng và dễ chăm sóc, có thể trồng ở đất vườn hoặc trong chậu, đặt ở ban công hay sân thượng đều được. Vậy nếu là một “tín đồ” của thanh long, tại sao bạn không thử trồng ngay tại nhà.
Có hai cách trồng thanh long là giâm cành và trồng bằng hạt. Với cách giâm cành, cây sẽ nhanh chóng phát triển và cho ra quả. Trồng bằng hạt lâu hơn, nhưng bù lại rất đơn giản, bạn không cần phải cực khổ đi kiếm cành giâm, đồng thời có thể tận dụng làm cảnh trong lúc đợi quả ăn.
Với cách trồng bằng hạt, bạn không cần mua hạt giống mà có thể tách một chút hạt từ quả. Chỉ sau khoảng 2 tuần, hạt sẽ nảy mầm, một thời gian sau sẽ phát triển thành những cây con trông giống như xương rồng, rất độc lạ và đẹp mắt.
1. Cách trồng thanh long bằng hạt
Thanh long nên chọn những quả chín, càng chín càng dễ lấy hạt. Sau khi mua về bạn hãy cắt một khúc nhỏ, cho vào cái rây rồi dùng thìa chà nhẹ để phần thịt rơi xuống dưới, phần hạt dính trên rây. Lưu ý cần phải thật nhẹ tay để đảm bảo hạt còn nguyên vẹn. Sau đó, rửa sạch hạt thanh long và để ráo nước.
Tiếp theo, hãy cho đất trồng vào lưng chừng chậu, thả hạt xuống rồi phía trên cùng cho một lớp bông gòn. Hai ngày xịt nước một lần để giữ ẩm. Đặt chậu cây gần cửa sổ để cung cấp đủ ánh sáng, như vậy sẽ kích thích cây non đâm chồi nhanh hơn.
Sau khoảng 1 tuần, hạt sẽ bắt đầu nảy mầm. Nếu sau 2 tuần hạt vẫn chưa nảy mầm thì bạn cần bắt đầu lại từ đầu. Sau hơn 4 tuần, những nhánh lá đầu tiên sẽ nhú lên, xung quanh lá có một lớp lông tơ nhỏ và dài.
Sau 6 tuần, chiều cao của cây non sẽ đạt 7 - 10 cm. Lúc này, bạn nên chuyển chúng sang chậu lớn hơn để cây có không gian phát triển. Lưu ý, không trồng quá nhiều cây trong cùng một chậu.
Sau khoảng 20 tuần, cây sẽ cao khoảng 50 - 70 cm. Thời điểm này, bạn cần dựng cột đỡ để cố định thân thanh long, đồng thời cần bón đủ lượng phân hữu cơ để kích thích cây phát triển.
Từ tháng thứ 5 trở đi, kích thước của cây thường khá lớn. Thấy chậu quá nhỏ, bạn nên chuyển cây sang chậu lớn hơn hoặc trồng trong vườn (nếu có). Ngoài ra, bạn nên dựng lại các cột đỡ lớn hơn để đỡ cây.
Nếu được chăm sóc đúng cách, ngoài một năm cây thanh long sẽ nở hoa và một tháng sau đó sẽ kết quả. Thanh long là loại cây ăn quả lâu năm, nên sau khi thu hoạch cây vẫn có thể tiếp tục ra hoa và kết quả.
2. Một số lưu ý khi chăm sóc cây thanh long
- Đất trồng: Nếu trồng thanh long trong chậu, bạn nên chọn loại đất hỗn hợp tơi xốp, thoáng khí và giàu chất dinh dưỡng. Nếu trồng trong chậu không có đế, nên lấy vật cứng nâng cao chậu lên để giúp rễ cây không mọc bịt kín lỗ thoát nước.
- Ánh sáng: Thanh long là loại cây ưa sáng nên tốt hơn hết bạn nên trồng ở ban công, sân thượng. Vị trí đặt chậu cây không được che ánh sáng mặt trời quá 30% diện tích chiếu sáng. Khi đạt đủ ánh sáng, cây mới phát triển tốt, ra hoa và đậu quả.
- Tưới nước: Trong quá trình chăm sóc cây, cần chú ý giữ ẩm tốt. Trời nắng cần tưới nước ngày 1 lần, trời mát thì 2 ngày tưới 1 lần là được. Bạn có thể che ủ gốc bằng rơm rạ để giữ ẩm cho chậu cây, hoặc sử dụng hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt để đảm bảo độ ẩm cho chậu và tiết kiệm được nguồn nước.