Với mong muốn xây một căn nhà làm nơi an dưỡng cho bố mẹ khi về hưu, anh Phạm Khoa Nguyên sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt đã lên ý tưởng và tự tay hoàn thiện một không gian sống yên bình ở vùng cao nguyên để tặng bậc sinh thành.
Anh Phạm Khoa Nguyên đã lên ý tưởng và tự tay hoàn thiện một không gian sống yên bình ở vùng cao nguyên để tặng bậc sinh thành.
Khoa Nguyên cho biết, căn nhà được xây mới với diện tích 240m2 trong một khu dân cư yên tĩnh trên đồi tại Đà Lạt. Sở dĩ anh làm công trình này bởi anh ngay từ khi còn nhỏ anh luôn ấp ủ sau này khi trưởng thành sẽ xây một căn nhà như một nơi an dưỡng cho bố mẹ khi về hưu.
Theo lời chàng trai trẻ, bố mẹ anh là những người hướng nội, vì thế anh muốn tạo ra một không gian sống hòa hợp với thiên nhiên, đồng thời đảm bảo được riêng tư nhưng không bị cô lập. Anh tâm sự: “Mình lớn lên trong một căn biệt thự cổ xinh xinh được xây vào những năm 1930. Ngôi biệt thự tuy rất đơn sơ nhưng cây cầu bê tông trước nhà là một kho báu mà không nơi đâu có được. Nó cất giấu những kỷ niệm đẹp nhất thời niên thiếu của mình. Đó là nơi đánh trận, tắm mưa, cũng là nơi mình bị phạt quỳ vì những trò nghịch dại ở trường. Hơn thế nữa, nó từng là mắt xích kết nối mình với thực tại và thế giới bên ngoài. Phần lớn cảm hứng của căn nhà hiện tại được đúc kết từ cây cầu bê tông này”.
Anh thiết kế không gian ngôi nhà có sự kết hợp hài hào giữa mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người.
Khoa Nguyên cho rằng việc được lớn lên ở Đà Lạt có ảnh hưởng rất lớn đến lối thiết kế của anh. Chính những ký ức về miền quê đó đã cho anh một cách nhìn, cách cảm thụ về thiên nhiên cũng như mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người một cách khá sâu sắc.
Hơn nữa, anh may mắn có cơ hội thực tập ở một vài văn phòng kiến trúc tại thành phố Las Vegas, bang Nevada trong những năm học đại học nên đã tiếp thu những ý tưởng và tư duy thiết kế từ những người thầy, người đỡ đầu này. Họ đã bên cạnh và dẫn dắt anh những bước đi đầu tiên trong ngành kiến trúc.
Là công trình đầu tay và đặc biệt dành cho bố mẹ, anh Nguyên bỏ khá nhiều thời gian để chăm chút cho từng chi tiết nhỏ trong căn nhà. Phần nội thất được thiết kế dành riêng cho căn nhà để ngoại thất và nội thất đươc hòa hợp: Sofa cắt góc chéo đúng như góc vát của khối nhà chính; giường tủ đóng cứng và trở thành một phần của nhà. Những chi tiết nhỏ hơn như bát nhang, tượng phật trang hoàng bàn thờ, hay bình hoa chưng phòng đều do tay anh cắm.
Mọi không gian đều được tận dụng ánh sáng thiên nhiên.
Chàng trai trẻ chia sẻ, ban đầu khi nghe phần lớn ngoại thất sẽ được lợp gỗ thui (Shou Sugi Ban,) gia đình anh rất lo ngại việc căn nhà sẽ nhìn nặng nề phản cảm. Lúc này anh và người em họ tự chế một dàn khò và đốt thử nghiệm trên những thanh gỗ đầu tiên thì nỗi lo đó càng tăng lên nhanh chóng. Chỉ khi toàn bộ tầng dưới được bọc bởi lớp gỗ đen óng này, mọi người mới nhận ra dụng ý của anh. Từng vân gỗ hiện lên một cách nhã nhặn không phô trương; độ phản chiếu vừa phải cùng lối lắp thớ dọc tạo nên một vẻ hiện đại và duyên dáng.
Song chính vẻ ngoài tối giản và lạnh lùng gây tò mò, thậm chí nghi vấn cho nhiều người. Nhưng khi có cơ hội vào bên trong và trải nghiệm, những nghi ngại ban đầu nhanh chóng tan biến. Việc lồng ghép thiên nhiên vào tất cả các không gian đem lại sự thư giãn cho những người ở trong căn nhà. Cách sử dụng nhiều giếng trời và cửa kính để đưa ánh sáng vào nhà nhằm tạo ra kịch tính trong từng góc cạnh cũng làm bố mẹ anh thích thú.
Những chi tiết nhỏ hơn như bát nhang, tượng phật trang hoàng bàn thờ, hay bình hoa chưng phòng đều do tay anh cắm.
Theo anh Nguyên, căn nhà cũng trải qua những thăng trầm trong quá trình xây dựng nên mất tròn một năm anh cùng đội ngũ thợ mới hoàn thiện mọi hạng mục. “Mình thở phào nhẹ nhõm khi nhận được nhiều lời khen từ những người vô tình đi ngang và dừng xe lại ngắm nhìn” – anh hạnh phúc nói.
Là những người yêu cây cối nên bố mẹ anh Nguyên dành phần lớn thời gian cho việc chăm sóc các mảng xanh quanh nhà. Chính thiết kế tối giản của căn nhà cũng góp phần giúp việc bảo trì và vệ sinh được thuận lợi.
Phòng ngủ cũng được anh tinh tế phối gam màu nhẹ nhàng, thư giãn.
Sân thượng là nơi bố anh ngồi uống cà phê ngắm thành phố.
Mẹ anh thì quyết định "chiếm đóng" lâu dài góc đọc sách bên khung cửa sổ với tiếng suối ngày đêm róc rách.
Vì sống xa gia đình nên mỗi khi có dịp trở về, anh thấy bố mẹ thích thú với những không gian do con trai tạo ra, anh cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Bố anh có sở thích uống cà phê thay bữa sáng nên anh thường bắt gặp bố ngồi trên sân thượng ngắm thành phố nho nhỏ chìm trong biển mây lúc bình minh. Mẹ anh thì quyết định "chiếm đóng" lâu dài góc đọc sách bên khung cửa sổ với tiếng suối ngày đêm róc rách.
Anh Nguyên cảm thấy biết ơn bố mẹ đã tin tưởng và tạo điều kiện cho anh để hoàn thành ước nguyện xây dựng cho bậc sinh thành một nơi ấm cúng, thoải mái, một nơi mà họ gọi là nhà. 9X xúc động: “Ngôi nhà nhìn bên ngoài giản dị, không thu hút nhiều chú ý. Nó như một ẩn dụ cho con người của bố mẹ mình vậy. Họ không xa hoa, bóng bẩy nhưng khi hiểu rõ con người họ, bạn sẽ nhận ra họ thật sự giàu tình cảm”.
Từ công trình đầu tay của mình, chàng trai trẻ Đà Lạt cho rằng, gu thẫm mỹ mỗi người một khác nhau nên khó có thể đánh giá một ngôi nhà qua vẻ bề ngoài của nó. Những cảm xúc mà nó đem lại khi sử dụng lâu dài mới thật sự đáng chú trọng. Vì lẽ đó, trong quá trình lên ý tưởng, phần công năng và phân bố không gian nên được ưu tiên hàng đầu và cân nhắc kỹ lưỡng.
Mỗi khi ngắm nhìn công trình mà anh dành tặng bố mẹ, anh lại thở phào nhẹ nhõm bởi đã thỏa ước nguyện mà bản thân ấp ủ bao lâu nay.