Chơi 200 bình hoa mỗi năm, giảng viên Hà Nội mách mẹo chọn bình chuẩn, cắm chắc chắn đẹp

Từ khi bén duyên với gốm, chị Nguyễn Thu Thủy đã cắm khoảng 200 bình hoa sau mỗi tác phẩm gốm ra đời.

Gốm cứng cáp, hoa mềm mại tôn lên vẻ đẹp của nhau. Có lẽ vì vậy mà trong vô vàn chất liệu, bình gốm dễ dàng "hợp rơ" với muôn loài hoa nhất. Yêu gốm rồi nghiện luôn hoa, chính là câu chuyện của chị Nguyễn Thu Thủy (Hà Nội), hiện đang là Giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và là một họa sĩ sáng tác gốm tự do.

Việc đầu tiên khi hoàn thành một bình gốm là cắm hoa

Chị Nguyễn Thu Thủy bén duyên với gốm từ tháng 9 năm 2020. Lần đầu trải nghiệm công việc làm gốm tại Bát Tràng - "cái nôi" của nghề gốm ở Hà Nội, chị mê mẩn cảm giác sáng tác với chất liệu này. Kể từ đó đến nay, trong khoảng 1 năm ngắn ngủi, giảng viên Hà Nội đã cho ra đời hơn 200 bình gốm độc bản cùng nhiều phù điêu, tranh, tượng.

"Tôi có được học cắm hoa từ nhỏ nhưng đúng là vì làm gốm mà tôi đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc cắm hoa cũng như chụp ảnh bình hoa. Trung bình một tuần tôi có khoảng 10 bình gốm vào lò. Cứ đến ngày ra lò, việc đầu tiên là hóng tác phẩm để chụp ảnh tại xưởng sau đó mua hoa hoặc hái hoa trong vườn để trưng với bình mới", chị chia sẻ.

Với chị Thủy, dù từng cắm hoa vô số lần nhưng trước mỗi chiếc bình gốm mới, đó lại là một sự khám phá và sáng tạo. Một bó hoa cắm vào vài ba chiếc bình khác nhau, sẽ mang đến cảm giác mới và hình ảnh khác biệt. Có lẽ vì vậy mà cảm hứng sáng tạo, tình yêu với hoa và gốm lúc nào cũng đong đầy, mang đến niềm vui cho nữ nghệ nhân trong việc háo hức đợi một bình gốm ra lò, tỉ mỉ chọn hoa, cắm hoa và chụp lại tác phẩm chia sẻ với mọi người. Có những hôm đã tối muộn, chị vẫn hào hứng "khoe" ngay bình hoa mới.

"Buổi tối là thời gian tôi hay dành để cắm hoa sau một ngày làm gốm ở Bát Tràng. Lúc này hoa cũng đã được dưỡng đủ thời gian. Chụp ảnh hoa trong đêm với một chiếc đèn thả rất tôn hoa. Sáng hôm sau lại chụp hoa với nắng. Cảm giác cắm xong một bình hoa là phải khoe ngay với bạn bè dù là tối muộn", nữ giảng viên tâm sự.

Chơi 200 bình hoa mỗi năm, giảng viên Hà Nội mách mẹo chọn bình chuẩn, cắm chắc chắn đẹp - 1

Cùng một loại hoa baby nhưng cấp vào bình cao hay bình thấp, sẽ mang đến những vẻ đẹp khác biệt.

Từ khoảng thời gian làm việc với gốm và cắm hoa, chị Thủy đúc kết một số kinh nghiệm chọn bình gốm phù hợp với từng loại hoa. Chị chia sẻ: "Lọ hoa hình trụ sẽ phù hợp với những loại hoa có thân dài như ly, lay-ơn, loa kèn,… Nếu đó là chiếc bình hình trụ và trong suốt, cần lưu ý tỉa hoa, lá, cành sao cho thật gọn gàng và nước trong bình cần được thay hàng ngày.

Lọ hoa hình bầu, tròn phù hợp các loại hoa có thân dài, cành lả, mặt hoa hướng về các phía khác nhau, tạo sự chuyển động cho không gian, như hoa hướng dương, cẩm chướng, đồng tiền, hồng cành mềm.

Miệng bình nhỏ thì cắm vài cành thoáng, miệng bình rộng thì cắm hoa rủ, cánh hoa to che một phần miệng bình. Để cố định cành hoa khi cắm những bình miệng rất rộng hoặc bát hoa, đĩa hoa có thể dùng xốp hoặc lưới mắt cáo, cành hoa cắt đoạn gác lên nhau ở miệng để tạo thành các ô gài hoa, bàn chông.  

Hoa rực rỡ thì chọn gốm mộc mạc. Hoa một màu giản dị lại chọn bình đa sắc. Bình hoa sẽ đẹp hơn khi được phối với các loại lá tự nhiên tăng thêm phần mềm mại quyến rũ, điểm xuyết màu xanh của lá với màu rực rỡ của hoa".

Chơi 200 bình hoa mỗi năm, giảng viên Hà Nội mách mẹo chọn bình chuẩn, cắm chắc chắn đẹp - 3

Bình hoa hình trụ thì cắm hoa thân dài như ly, lay ơn, loa kèn,...

Chơi 200 bình hoa mỗi năm, giảng viên Hà Nội mách mẹo chọn bình chuẩn, cắm chắc chắn đẹp - 4

Bình hoa hình bầu, tròn phù hợp các loại hoa có thân dài, cành lả, mặt hoa hướng về các phía khác nhau.

Chơi 200 bình hoa mỗi năm, giảng viên Hà Nội mách mẹo chọn bình chuẩn, cắm chắc chắn đẹp - 5

Miệng bình nhỏ thì cắm một vài cành để tạo cảm giác thoáng, không rối mắt.

Chơi 200 bình hoa mỗi năm, giảng viên Hà Nội mách mẹo chọn bình chuẩn, cắm chắc chắn đẹp - 6

Hoa rực rỡ thì chọn bình đơn sắc và ngược lại.

Mang cả khu vườn vào nhà

Chị Thủy không "kén" hoa, chị cắm từ hoa ngoại nhập đến cành quả, hoa dại trong vườn. Mỗi loại hoa đều có vẻ đẹp riêng, trở nên rực rõ hơn trong chiếc bình phù hợp. Nhà chị cũng vì vậy mà trở thành một khu vườn thu nhỏ, lúc nào cũng có hoa lá bốn mùa đua nở.

Chơi 200 bình hoa mỗi năm, giảng viên Hà Nội mách mẹo chọn bình chuẩn, cắm chắc chắn đẹp - 7

Chị Thủy chọn bình gốm xanh mộc mạc để cắm cành quả hồng.

Chơi 200 bình hoa mỗi năm, giảng viên Hà Nội mách mẹo chọn bình chuẩn, cắm chắc chắn đẹp - 8

Với chiếc bình cầu kỳ, một cành khế hái ngoài vườn cũng đủ tôn lên vẻ đẹp của cả hoa và gốm.

Chơi 200 bình hoa mỗi năm, giảng viên Hà Nội mách mẹo chọn bình chuẩn, cắm chắc chắn đẹp - 9

Chiếc bình mộc mạc tôn lên vẻ đẹp giản dị của sen.

"Hoa cắm nếu thay nước theo ngày và tỉa bớt gốc sẽ đẹp lâu nên tôi cứ hạ dần độ cao bình theo thời gian, vì thông thường bông hoa cao nhất sẽ có chiều cao bằng tổng chiều cao và chiều rộng của bình. Khi hoa đã nở căng thậm chí gần tàn thì đôi khi chỉ cần 1 - 2 cành hoa và nhiều loại lá là có một bình cắm theo phong cách Ikebana rất đẹp.

Cắm hoa để hoa tươi lâu quan trọng là dưỡng hoa. Hoa mua về bỏ khoảng 2/3 lá, ngâm trong xô lớn hoặc lavabo, dùng kéo hoặc dao sắc cắt cành vát chéo. Một số loại hoa phải cắm bằng nước nóng như hoa chuông, cành thân gỗ thì chẻ đôi gốc và thêm cành vào giữa để dễ hút nước", nữ giảng viên đến từ Hà Nội chia sẻ thêm về kinh nghiệm cắm hoa.

Mẹ Việt cắm trăm bình hoa mỗi năm, tự tìm niềm vui mỗi ngày mà không cần quà cáp
Theo Huyền Đỗ (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)