Với những loại hoa, cây cảnh trồng trong chậu lâu ngày không được thay chậu, đất sẽ dần cứng lại, tạo thành những tảng đất nén chặt, gây bất lợi cho sự phát triển của cây. Nguyên nhân là do lúc này rễ cây không thể hô hấp và hấp thụ chất dinh dưỡng một cách bình thường được, khiến cây sinh trưởng kém hơn.
Đối với những chậu cây đã lâu không thay chậu, tốt nhất nên thay đất vào mùa xuân hoặc mùa thu. Khi thay nên cắt tỉa bộ rễ già yếu, thối hỏng để cây phát triển mạnh mẽ hơn.
Nếu không muốn thay chậu, bạn cũng có thể vùi vào chậu hoa một ít phân hữu cơ lên men và hoai mục. Những thứ này có thể cải tạo đất, giúp đất trong chậu tơi xốp, thoáng khí, đồng thời tăng hàm lượng dinh dưỡng trong đất.
Thứ nhất: Ruột gà, ruột cá
Nếu trồng các loại hoa thân gỗ ưa axit như hoa hồng, hoa nhài, dành dành,... bạn có thể chôn một ít ruột gà, ruột cá vào chậu. Sau khi phân hủy, chúng sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho cây trồng. Không chỉ bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, thứ này còn giúp đất tơi xốp và màu mỡ hơn, từ đó cây sẽ phát triển xanh tốt.
Lưu ý, khi chôn ruột cá xuống đất, bạn nên chôn cách xa hệ thống rễ để tránh bị cháy rễ do hiện tượng sinh nhiệt trong quá trình phân hủy. Sau khi cho ruột cá, ruột gà vào chậu, bạn nên vùi lấp đất thật kỹ để tránh bốc mùi hôi thối, thu hút côn trùng tới gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của gia đình.
Thứ hai: Phân cừu
Phân cừu là một loại phân hữu cơ thường dùng trong trồng hoa, cây cảnh. Thứ “tí hon” này rất giàu đạm, lân và kali, có độ phì nhiêu nhẹ nên sau khi lên men sẽ không làm cháy cây con.
Bạn có thể vùi một ít phân cừu đã hoai mục hoàn toàn vào chậu hoa hoặc trộn với đất trồng khi thay đất để cải thiện chất lượng đất, tăng chất dinh dưỡng cho đất. Không chỉ cây cối phát triển mạnh mẽ, cành lá sum suê hơn mà có khả năng bạn sẽ không phải thay đất trong vòng 3 năm nhờ cách này đấy.
Thứ ba: Bã đậu lên men
Bạn hoàn toàn có thể tận dụng bã đậu nành hoặc những hạt đậu nành (đậu tương bị mốc hỏng) để làm phân bón hoa. Cụ thể, bạn có thể chôn trực tiếp vài hạt đậu nành đã luộc chín xung quanh mép chậu hoa, lưu ý không chôn gần gốc cây, và vùi đất lại. Sau một thời gian chúng sẽ phân hủy và cho phép rễ cây hấp thụ từ từ.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể ủ lên men bã đậu nành và dùng thứ nước này để tưới cây. Cách làm như sau, cho đậu nành luộc chín đã nghiền nhuyễn hoặc bã đậu vào thùng có nắp đậy, cho thêm một lượng nước vào (không đổ đầy) và ủ lên men khoảng 6 tháng đến một năm để bã đậu lên men hoàn toàn.
Ủ bã đậu nành sẽ có mùi hôi đặc trưng khó chịu, bạn có thể thái nhỏ vỏ cam, chanh, bưởi cho vào ủ cùng để khử mùi hôi. Thành phẩm thu được cần phải pha loãng với nước trước khi dùng, nếu không bón quá đặc sẽ làm cháy rễ, cây con. Tưới 2 lần/tháng là có thể đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của hoa. Thường xuyên tưới nước bằng bã đậu nành lên men sẽ giúp cây phát triển sum suê, nở hoa rực rỡ và ngăn chặn tình trạng nén chặt của đất.