Phòng tắm tuy chiếm diện tích nhỏ nhưng lại là khu vực vô cùng quan trọng, giải quyết những nhu cầu thiết yếu của con người. Tuy nhiên, không phải thứ gì cũng có thể đặt trong nhà tắm, đặc biệt là 4 thứ này.
1. Không đặt khăn tắm trong phòng tắm
Nhiều người có thói quen treo khăn tắm trong phòng tắm sau khi sử dụng. Nhưng khăn tắm, khăn lau mặt hay quần áo đều không phù hợp để cất đặt trong phòng tắm.
Sở dĩ như vậy là do môi trường ẩm ướt trong phòng tắm, treo khăn ở đây rất dễ sinh ra mùi hôi, vì khăn không khô được. Chưa kể phòng tắm được sử dụng hàng ngày, hơi ẩm cộng với vi khuẩn sẽ lan khắp nơi, bám vào khăn tắm, dễ khiến khăn của bạn bị nhiễm bẩn, sinh ra nấm mốc.
Vì vậy, sau khi sử dụng, bạn không nên treo khăn tắm trong phòng tắm mà hãy cố gắng phơi ở nơi có nắng, thoáng gió. Nếu đã giặt thì nên phơi ngoài ban công để tránh phát sinh mùi hôi.
Ngoài ra, quần áo bẩn sau khi thay ra cũng không nên treo trong nhà tắm mà hãy cất đặt ở nơi khô ráo rồi mang đi giặt. Sau khi giặt xong nên phơi ở nơi có nắng thay vì treo trong nhà tắm.
2. Không đặt chổi hay giẻ lau sàn trong phòng tắm
Cũng có nhiều người để chổi và giẻ lau sàn trong phòng tắm để tiết kiệm diện tích. Hay khi sàn nhà tắm bẩn, dùng chổi lau luôn sẽ rất tiện.
Tuy nhiên, việc đặt chổi, giẻ lau nhà ở đây sẽ chiếm diện tích của phòng tắm. Quan trọng hơn là môi trường ẩm ướt dễ sinh ra vi khuẩn khiến chúng dễ bốc mùi. Mà chổi và giẻ lau sàn lại là dụng cụ dọn vệ sinh, nếu dùng thứ này đẻ lau chùi nhà cửa thì vi khuẩn sẽ lan đến mọi ngóc ngách trong nhà, gây bất lợi cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Vì vậy, chổi và giẻ lau sàn nên bố trí một nơi riêng biệt để đảm bảo vệ sinh.
3. Không nên để dép trong phòng tắm
Hầu hết mọi gia đình đều có dép trong phòng tắm, nhưng điều này thực sự không phù hợp. Do độ ẩm trong phòng tắm cao nên dép rất dễ bị ẩm mốc, ố vàng, sinh sôi vi khuẩn nếu lâu ngày không sử dụng hoặc không vệ sinh.
Vì vậy, bạn nên đặt dép ở nơi khô ráo, thoáng mát sau mỗi lần sử dụng hoặc chà sạch rồi đặt trên giá, không đặt trực tiếp xuống sàn nhà tắm trông rất lộn xộn lại dễ khiến dép bị bẩn. Hơn nữa, chân đang khô ráo lại xỏ vào đôi dép ướt cảm giác cũng không thoải mái chút nào.
4. Không đặt bồn cầu trong phòng tắm
Phần đông mọi gia đình đều đặt bồn cầu chung với nhà tắm vì lý do tiện lợi, nhưng nếu có thể hãy tách biệt chúng ra. Nguyên nhân là do bồn cầu là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhất. Riêng việc giật nước bồn cầu cũng có thể khiến các vi khuẩn trong chất thải bắn ra ngoài khỏi phạm vi diện tích bồn cầu. Việc tách bồn cầu và nhà tắm sẽ đảm bảo vệ sinh hơn.
Hơn nữa, nếu đặt chung bồn cầu trong nhà tắm, khi tắm rửa nước có thể bắn lên bồn cầu gây khó chịu cho người sử dụng bồn cầu. Vì vậy, tốt hơn hết nên tách biệt nhà tắm với bồn cầu. Nếu diện tích hạn hẹp, bạn có thể lắp đặt vách ngăn, tạo phòng tắm riêng để tránh nước bắn tung tóe khắp nhà tắm, lên cả bồn cầu.