Quan niệm dân gian cho rằng, trong những ngày đầu năm mới sẽ có những kiêng kỵ để một năm may mắn, tài lộc như kiêng quét nhà đầu năm. Tục lệ này xuất phát từ một truyền thuyết của Trung Quốc, kiêng hốt rác trong ba ngày đầu năm vì sợ hốt mất Thần Tài ẩn trong đống rác. Bởi vậy mà trước giao thừa, gia đình nào cũng cố gắng dọn dẹp nhà cửa, sân vườn sạch sẽ hết mức có thể để tránh phải quét nhiều trong ba ngày đầu năm.
Việc kiêng quét nhà đầu năm liệu có đúng?. TS.KTS Vũ Thế Khanh (TGĐ Liên hiệp khoa học UIA) cho rằng, việc kiêng kỵ đầu năm để mong may mắn trong năm mới là điều dễ hiểu. Ngày xưa các cụ có nhiều tục lệ kiêng trong dịp Tết cổ truyền. Tùy theo mỗi địa phương, vùng miền, tôn giáo và gia phong mỗi dòng họ mà có những tục kiêng kỵ khác nhau. Có những điều kiêng kỵ là do kinh nghiệm nhưng cũng có thứ kiêng kỵ sa đà vào mê tín.
Việc kiêng quét nhà ngày mùng 1 vì sợ quét đi tài lộc là điều mê tín. Lộc phải là những thứ mới mẻ, thanh tịnh và phải dùng được chứ đâu lại coi "rác" bỏ đi là lộc. Tài lộc đến với mỗi gia đình còn là do phước báu của mỗi người. Theo tinh thần nhà Phật thì mọi sự diễn tiến tùy thuộc vào nhân quả. Nhân lành quả lành, nhân xấu phải lãnh quả xấu.
Theo các chuyên gia phong thủy không nên quá kiêng kỵ việc quét nhà đầu năm. Ảnh minh họa
Nhà cửa sẽ không sạch sẽ trong những ngày Tết khi khách đến nhà chơi, ăn uống, cắn các loại hạt… Nếu cứ để nhà cửa bẩn như vậy, khách đến sau sẽ thấy sao? Nhiều gia đình nghĩ ra cách không quét rác hất ra mà quét vào trong để đỡ "mất lộc" hoặc quét dồn vào một chỗ rồi đổ đi sau những ngày Tết. Điều này cũng tốt khi giải quyết được yếu tố tâm lý, nhưng rác để lâu cũng thành ổ bệnh nên cần sớm đổ bỏ đi. Bẩn phải dọn, rác đầy phải đổ là chuyện bình thường, không nhất thiết phải kiêng quá đà.
Về điều này, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cũng cho rằng, kiêng kỵ thường được ông cha ta đúc rút bằng kinh nghiệm thực tiễn. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành nên điều này cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý.
Tâm lý thường bị ảnh hưởng khi không làm theo những định hình từ nhỏ cha mẹ, ông bà dạy. Chúng ta sẽ trở nên lăn tăn, băn khoăn và từ đó dễ có suy nghĩ tiêu cực. Mọi thứ từ đó mà có chiều hướng tiêu cực theo. Bởi vậy mà có câu "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" là vậy.
Điều quan trọng dù có kiêng kỵ hay không làm theo kiêng kỵ, mọi người nên cố gắng làm những điều bản thân cảm thấy thoải mái để gặp nhiều may mắn. Nếu lỡ phạm phải kiêng kị cũng không nên quá lo lắng. Như nhỡ quét nhà ngày đầu năm, mọi người có thể ra bãi cát lấy ít cát hoặt đất mang về rải ra vườn để bón vào cây với quan niệm đã lấy lộc để bồi đắp, bù vào.
Theo các chuyên gia phong thủy, có những việc kiêng kỵ ngày Tết mang tính lành mạnh như cùng nhau làm những điều lành, tránh xa điều ác, không cãi cọ… Trong những ngày Tết, mỗi người nên giữ hòa khí trong chính gia đình mình và với hàng xóm xung quanh để có được niềm vui, an nhiên.