Khi mùa xuân đến, mọi thứ như được trẻ hóa, cây cảnh bắt đầu sinh sôi, đâm chồi nảy lộc mới và ra nụ, nở hoa. Bạn nào thích trồng cây cảnh thì hãy thay chậu, bón phân, tưới nước, phơi nắng vào thời gian này để thúc cho cây phát triển.
Tuy nhiên, bạn không cần phải tốn tiền mua phân bón đâu. Vì ngay trong bếp nhà bạn đã có nhiều loại rác thải, nước dinh dưỡng đủ cho cảnh xanh tốt, đơm bông rực rỡ.
Hãy xem những rác thải nào có thể chế thành chất dinh dưỡng để bón thúc cho cây cảnh nhé!
1. Bã đậu rất giàu kali và đạm tốt cho cây cảnh
Đừng vứt bỏ cặn còn lại sau khi làm sữa đậu nành. Bạn hãy cho bã đậu nành vào xô nhựa và cho 1 ít nước vào, đậy nắp kín, đặt hỗn hợp này ở nơi có ánh sáng tốt và chờ chúng lên men.
Khoảng ba tháng, bạn có thể lấy nước bã đậu đã lên men này bón cho cây cảnh. Dung dịch này rất giàu đạm và kali, rất tốt cho cây cảnh.Chỉ cần bạn tưới 1 chút dung dịch này cho cây cảnh đang kỳ phát triển là cây sẽ phát triển xanh tốt, ra hoa trĩu trịt, hiệu quả không thua kém gì phân bón mua ở cửa hàng, vừa tiết kiệm và tốt cho môi trường.
2. Nước vo gạo giàu axit, thích hợp các cây cảnh "thích chua"
Nước vo gạo là dung dịch dinh dưỡng đơn giản nhất thường được sử dụng trong trồng cây cảnh. Bạn hãy gạn nước vo gạo "nước đầu" đục nhất rồi cho vào chai và đậy kín.
Đặt chai nước gạo ở nơi đủ ánh sáng và ủ men khoảng một tháng rồi mới dùng được.
Khi sử dụng, tốt nhất nên pha loãng khoảng 10 lần, dùng để tưới một số loại cây cảnh lá, ví dụ như trầu bà, cây cảnh thường xanh... Những cây carh này khi được tưới bằng nước vo gạo sẽ đặc biệt xanh tốt và phát triển nhanh.
Nếu bạn thấy nước vo gạo lên men có mùi khó ngửi, tưới cho cây cảnh trong nhà sẽ bất tiện thì có thể thêm vào vài miếng vỏ cam. Vỏ cam sẽ giúp nước gạo lên men bớt mùi và làm cho đất thêm tính axit hơn.
3. Bột xương thúc cây cảnh tạo chồi và ra hoa
Sau khi đã tiệc tùng và bỏ ra nhiều xương lợn, xương gà, xương bò các loại, bạn có thể cho xương vào nồi luộc lại để loại bỏ muối bên trong xương.
Sau đó đem xương phơi dưới ánh nắng vài ngày. Sau khi xương khô giòn hãy đập xương thành bột. Loại bột xương rất giàu phốt pho và kali cực tốt cho cây cảnh.
Đặc biệt, nhiều cây phong lan sẽ thích được bổ sung bột xương khi bạn thay đất, thay chậu cho chúng. Loại phân bột xương khi bón cho cây có tác dụng rất lâu, giúp kích thích cây ra chồi mới, tạo nụ và ra hoa rầm rộ hơn.
4. Vỏ trái cây là "thần dược" cho cây cảnh
Khi ăn hoa quả, bạn đừng vứt bỏ vỏ, lõi hoặc quả thối. Bạn có thể đặt rác này vào cái xô lớn, đổ ít nước và đậy kín, đặt ở nơi thông thoáng, đủ ánh sáng.
Quá trình này sẽ mất khoảng ba tháng hoặc lâu hơn để vỏ trái cây lên men thành một dung dịch dinh dưỡng "bổ béo" cho cây cảnh.
Dung dịch từ vỏ trái cây ngâm có thể làm chocây cảnh phát triển, ra hoa đặc biệt đẹp và bổ sung các loại vitamin cần thiết cho sự phát triển của cây cảnh, có tác dụng tốt hơn cho sự phát triển của cây.
5. Tro - chất kiềm cực tốt cho cây cảnh
Bạn có thể phơi và đốt 1 số loại cây cỏ để làm phân bón cho cây cảnh. Tro là phân bón giàu kali, giàu chất kiềm rất tốt cho cây cảnh, ngoài ra còn có thể dùng vào nhiều việc khác khi trồng cây.
Ví dụ khi cắt tỉa cây bị quá tay, bạn cũng có thể bôi tro cỏ lên vết cắt để chúng mau lành hơn. Tác dụng của tro có tác dụng tương tự như carbendazim, đóng một vai trò trong việc khử trùng.
Nếu nó được pha với nước, nó cũng có thể được sử dụng như một dung dịch dinh dưỡng để phun cây. "Thuốc" này cũng có thể điều trị rệp, phun dung dịch tro thực vật có thể chặn lỗ khí của nó và tiêu diệt rệp.
Tất nhiên, trước đây tro cỏ thường được sử dụng trong đất trồng trọt, có thể làm cho rễ cây khỏe và tăng khả năng kháng bệnh. Tuy nhiên, đối với một số cây cảnh ưa axit thì nên hạn chế sử dụng vì tro thực vật có độ kiềm tương đối lớn.
Trên đây là 5 loại phân bón cực tốt cho cây cảnh mà bạn có thể "lục lọi" từ trong chính bếp nhà mình. Ngoài ra, còn có 1 số phân bón khác tốt cho hoa như nước ngô, nước rửa thịt, ruột cá, vảy cá... Các loại rác này đều có thể ngâm một thời gian sau đó mang ra bón cây cảnh rất tốt.
Các loại phân bón "tự tạo" này có độ phì chậm, tác dụng lâu dài với cây cảnh và có thể cải tạo đất. Vì vậy bạn có thể thử làm nhé. Tuy nhiên, bạn phải chuẩn bị tâm lý, những loại phân hoa tự chế này có mùi khá "nồng nàn".
Do đó, nếu trồng cây cảnh trong nhà phố chật chội thì không nên dùng các chất dinh dưỡng tự chế này.