Thứ nhất: Chọn cành giâm
Hoa giấy là loại hoa có thể sống bằng cách giâm cành. Không nên chọn những cành giâm quá già hoặc quá non, tốt nhất nên chọn những cành bánh tẻ, có tuổi đời từ 1-2 năm, như vậy mới đảm bảo tỷ lệ sống của cành giâm.
Cụ thể, bạn nên chọn những cành mập mạp, vỏ ngoài có màu trắng xanh. Nếu vỏ ngoài có màu trắng nhạt hoặc nâu, không có chút màu xanh nào là cành già. Nếu lớp vỏ bên ngoài có màu xanh ngọc lục bảo, trông mềm mại thì đó là cành non, chưa hóa gỗ. Hai loại này đều không thích hợp để cắt làm cành giâm.
Cành hom nên cắt có độ dài khoảng 8-10cm, cắt bỏ các lá phía dưới, để lại 2-3 lá phía trên. Mặt cắt chéo một góc 45 độ.
Thứ hai: Xử lý cành giâm
Nếu muốn nâng cao tỷ lệ sống của cành giâm (hay còn gọi là hom) thì sau khi cắt cành bạn nên ngâm hom vào dung dịch carbendazim để khử trùng vết thương. Sau đó, ngâm vào dung dịch kích rễ để hom ra rễ tốt hơn. Với những người yêu hoa chưa có kinh nghiệm giâm cành, nếu làm tốt 2 bước này thì việc giâm hoa giấy coi như đã thành công một nửa.
Lưu ý, với dung dịch carbendazim, nên pha loãng với nước theo tỷ lệ 1: 800 ~ 1000 lần, ngâm khoảng 15 phút. Vớt ra rửa lại bằng nước sạch hoặc lau khô nước, để nơi thoáng mát.
Sau đó, pha loãng bột kích rễ với nước sạch với tỷ lệ 1: 800~1000 và ngâm cành giâm trong dung dịch khoảng 20 phút. Sau khi đủ thời gian, bạn hãy lấy ra để ở nơi thông thoáng cho khô vết thương rồi mang đi giâm cành.
Thứ ba: Lựa chọn phương pháp giâm cành
Có hai cách giâm, một là bạn ngâm trong nước, sau khi ra rễ thì cấy vào đất. Ưu điểm của phương pháp này là bạn có thể nhìn thấy tình hình ra rễ của hom. Hoặc, bạn có thể giâm cành vào đất.
Nếu chưa từng giâm cành hoa giấy, bạn nên chọn cách giâm cành trong nước. Cách làm rất đơn giản, cho phần hom đã xử lý vào bình, đổ nước vào sao cho mực nước cao 2-3 cm so với thân cây. Nước không được quá nhiều, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự ra rễ. Thay nước 1-2 ngày/lần. Khoảng 5 ngày sau, những đốm trắng nhỏ sẽ xuất hiện, từ đó mọc ra những chiếc rễ mềm và trắng.
Hoặc, bạn có thể giâm cành trong cát để quá trình ra rễ nhanh hơn, tỷ lệ ra rễ sẽ được đảm bảo. Không nên dùng giá thể kém thấm nước, thoáng khí để giâm cành. Không nên cắm cành vào giá thể quá sâu, khoảng 2cm là đủ.
Thứ tư: Bảo dưỡng sau khi cắt
Dù là giâm cành trong nước hay trong đất, không nên đặt cành giâm hoa giấy ở nơi có ánh nắng trực tiếp mà nên đặt ở nơi mát mẻ, thoáng gió và có ánh sáng tán xạ. Độ ẩm có liên quan mật thiết tới sự sống của cành giâm, vì vậy bạn cần đảm bảo giữ độ ẩm không khí trên 50%. Một phần nữa là đất trong chậu phải ẩm, nhưng không quá ướt, nếu không hom sẽ bị thối.
Nếu thành công, khoảng 15 ngày cành giâm sẽ bén rễ, khoảng 30-45 ngày cây sẽ phát triển ổn định và mọc cặp lá mới. Lúc này, bạn có thể mang cành giâm ra trồng trong chậu.