Sức sống của lan trầm tím được cho là mạnh mẽ do được di truyền gen trội từ hai an khác là lan giả hạc và lan hoàng thảo tím. Chính vì thế cách trồng và chăm sóc lan trầm tím cũng đơn giản hơn nhiều.
1. Cách nhận biết lan trầm tím
Lan trầm tím hay còn gọi là lan trầm tím rừng là loài lan được lai tạo giữa hai loài lan khác là lan giả hạc và lan hoàng thảo tím. Chính bởi sự kết hợp giữa 2 loài hoa này mà lan trầm tím trở thành loài hoa có một nét đẹp rất đặc biệt. Về hình dáng bên ngoài lan trầm tím có nhiều nét tương đồng với loại lan phi điệp. Do đó dễ gây hiểu nhầm cho người mới chơi trong việc nhận biết lan trầm tím. Vậy làm sao để có thể phân biệt được chúng?
Trước tiên là sự khác nhau giữa hình thức bên ngoài. Nếu loài hoàng thảo kèn và lan phi điệp có dạng thân thòng và dài trung bình khoảng 1,2m thì lan trầm tím lại khá ngắn chỉ từ 30 – 40cm. Thân lan to, chắc chắn, mập mạp. Ngoài ra, hoa của lan trầm rừng có màu tím sẫm và hương thơm đậm hơn so với hai loài còn lại nhưng kích cỡ nhỏ chỉ khoảng 4cm.
Thời điểm lý tưởng để chơi hoa lan trầm tím là vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, sau Tết Nguyên đán. Sức sống của loài hoa này cũng mạnh mẽ hơn do được di truyền gen trội từ hai loài kia. Chính vì thế cách trồng và chăm sóc lan trầm tím cũng đơn giản hơn nhiều.
2. Cách trồng lan trầm tím
2.1 Thời điểm ghép cây:
Để ghép được lan trầm tím sao cho lan khỏe và tốt thì thời điểm tiến hành cấy ghép đẹp nhất là từ lúc cây trụi hết lá cho tới khi mầm ở gốc chuẩn bị nảy lên. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia thì thời điểm ghép lan thích hợp nhất là từ tháng 11 âm lịch đến tháng 2, 3 âm lịch năm sau.
2.2 Giá thể trồng lan trầm tím:
Tùy thuộc vào sở thích mà bạn có thể lựa chọn một trong số các giá thể sau đây:
- Lũa: Với cách trầm trên lũa tuy lan phát triển tốt những tiến độ lại khá chậm chạp, khó lòng dài và mập được. Tuy nhiên, bù lại, bộ rễ lại rất khỏe và rậm rạp.
- Gỗ vú sữa, vải, nhãn, dẻ: Giá thể này có đặc điểm sinh trưởng và phát triển không khác lũa nhiều.
- Chậu: Để lan phát triển tốt thì cách trồng lan trầm tím vào chậu sẽ là sự lựa chọn đáng thử nhất cho bạn. Nếu sử dụng than làm chất trồng thì cây sẽ sinh trưởng khá. Trong khi, vỏ thông vụn sẽ giúp cây lên tốt hơn, mập mạp và dài hơn. Trường hợp lựa chọn trồng chậu, bạn nên chọn chậu có kích thước vừa phải, chớ chọn chậu to vì rễ lan ưa bó hơn lỏng. Sau khi cây lớn, sẽ có nhiều rễ leo ra ngoài, do đó, bạn nên tiến hành cắt chúng hoặc vắt lại vào chậu.
2.3 Cách trồng lan trầm tím
Bước 1: Chia giống
Một giỏ lan thường có nhiều giả hành, vì thế, nếu để cả giò và ghép với giá thể thì chỉ có 1-2 mầm non được mọc lên, rất phí giống. Do đó, trước tiên, hãy nhẹ nhàng tách riêng từng giả hành. Lưu ý tránh cắt vào mắt ngủ còn lại dưới gốc. Đối với giả hành 1-2 tuổi, nên để chúng dính vào nhau để đảm bảo chất dinh dưỡng cho giả hành con sau này. Những giả hành còn lại thì bạn tách riêng từng cọng ra.
Tiếp theo, tiến hành tỉa rễ già sao cho để lại tầm 2cm để bắn ghim, còn lại cắt cụt và bỏ đi. Hãy nhớ rằng: tách xong rồi mới cắt rễ nhé.
Bước 2: Ngâm
Ngâm lan 5 đến 10 phút trong dung dịch physan 20 nồng độ 1ml/1l pha với nước hoặc benkona 2ml/l nước. Sau đó vớt ra để ráo trong vài tiếng. Tiếp tục ngâm B1+Atonik theo nồng độ trên bao bì trong 30 phút. Lưu ý, không nên lạm dụng Atonik nhiều, có thể làm hại cho cây.
Bước 3: Ghép/treo
Phần rễ cần được bắn ghim hoặc găm vào bảng dớn/gỗ thật chắc chắn. Nên ghép chung các giả hành tơ vào 1 bảng, để giả hành già vào 1 bảng riêng. Bạn nên lưu ý rằng mắt ngủ phải hướng ra ngoài và hạn chế tuyệt đối việc dùng sắt thép để cây được bảo vệ.
Sau khi ghép lan xong, bạn treo lan lên giàn luôn để lan được tiếp xúc với ánh sáng từ 60-70%. Nếu bạn ở nơi có nhiệt độ nóng thì khoảng cách dưới lưới là 1,5m, còn ở vùng cao mát mẻ thì chỉ cần 1,2m là đủ.
3. Kỹ thuật chăm sóc lan trầm tím
- Ánh sáng: Đặt cây ở nơi có ánh sáng vừa đủ khoảng 60-70% là hợp lý nhất. Nếu ánh sáng yếu quá, cây sẽ bị bệnh hoặc không ra hoa còn nếu tiếp xúc trực tiếp với anh nắng thì cây sẽ bị cháy lá.
- Độ ẩm: Độ ẩm cần được ổn định, tốt nhất là khoảng 70 đến 90%.
- Bón phân: Sử dụng phân bón hữu cơ để tưới thường xuyên, đặc biệt trong mùa hanh khô và mùa hè để cây phát triển tốt nhất. Bón chung khi tưới cho lan, với các hàm lượng phận bón như NPK 30 – 10 – 10 hay 20 – 20 – 20 bón một tuần một lần. Khi cây có dấu hiệu lá úa vàng chuẩn bị rụng ta bón phân theo tỉ lệ 10 – 30 – 20 kích thích lan trầm ra nụ.
- Nước: Nên tưới nhiều lần trong ngày, tầm 2-3 lần là đủ.
- Lưu ý khác:
Mùa thu (từ tháng 10 trở đi) lá cây bắt đầu úa vàng. Lúc đấy, cần tưới ít đi, rồi bón phân và phun thuốc để kích thích cho cây ra nụ. Đến tháng 12 bạn hãy dừng hẳn việc tưới phun, thỉnh thoảng phun nước để cây không bị teo tóp.
Cuối mùa đông, đầu mùa xuân, cây bắt đầu nhú nụ, chuẩn bị cho thời kỳ bung nở hoa. Thời gian này, tránh cho cây không bị úng nước trong những đợt mưa phùn của mùa xuân.
Khi hoa nở thì đều đặn tưới nước. Đến khi hoa đã tàn thì ngưng tưới nước cho tới khi thấy cây con mọc ra ở gốc hay các cây (keiki) mọc ở các đốt gần ngọn/ở phía dưới các đốt đã ra hoa. Những cây con, thường mọc ra sớm hơn có thể là từ khi cây ra nụ và có thể ra hoa vào mùa tới, còn các cây keiki phải đến mùa hoa sang năm. Hãy đợi khi cây keiki mọc rễ dài chừng 3-4 phân mới tách ra khỏi cây mẹ và trồng vào các chậu nhỏ dưới 10 phân.