Tủ lạnh hiện nay được coi là “thiết bị tiêu chuẩn” trong mỗi hộ gia đình. Nó giúp bảo quản thực phẩm, đồng thời giúp làm lạnh đồ uống, hoa quả giúp hạ nhiệt vào mùa hè.
Tuy nhiên, trên thị trường có quá nhiều kiểu dáng tủ lạnh, nhãn hiệu khác nhau khiến nhiều người không biết nên lựa chọn như thế nào. Tôi cũng phải thay tủ lạnh 2 lần và cuối cùng nhận ra rằng, mua tủ lạnh nên tuân theo quy tắc “5 không mua”.
1. Không mua tủ lạnh có dung tích quá nhỏ
Ngày trước chỉ có 2 vợ chồng, cả hai lại thường ăn ngoài, đến tối mới ăn cơm ở nhà, không để gì mấy nên hai vợ chồng tôi đã mua một chiếc tủ lạnh nhỏ. Nhưng mua về rồi tôi mới thấy hối hận. Không gian bên trong rất nhỏ, chỉ chứa được một chút thức ăn, ngăn đông nhỏ nên chỉ chứa được một miếng thịt nhỏ chứ đừng nói đến làm đá hay trữ cái khác.
Nhất là khi từ quê lên, muốn mang nhiều đồ ăn thức uống lên nhưng tủ lạnh không có chỗ để. Hay vào những dịp nhà có cỗ hay ngày Tết, chiếc tủ lạnh nhỏ đó thực sự không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của gia đình.
Vì vậy, khi mua tủ lạnh khuyên bạn nên chọn loại dung tích lớn và có thể mua theo số thành viên trong gia đình. Những người sống một mình, sinh viên hay những gia đình có 1 - 2 thành viên, nhu cầu sử dụng tủ lạnh để dự trữ, bảo quản thực phẩm không nhiều thì tủ lạnh có dung tích dưới 150 lít sẽ vô cùng phù hợp.
Gia đình có 2 - 3 thành viên nên chọn tủ lạnh với dung tích 150 - 300 lít. Dung tích tủ lạnh từ 300 - 400 lít sẽ là lý tưởng cho nhu cầu của gia đình có từ 3 - 4 thành viên, gia đình 5 người nên chọn tủ lạnh dung tích từ 400 - 550 lít, 5 - 7 người thì tủ lạnh có dung tích trên 550 lít.
2. Không mua tủ lạnh làm mát trực tiếp
Có 2 loại là tủ lạnh làm mát trực tiếp và tủ lạnh làm mát gián tiếp. Tủ lạnh làm mát trực tiếp tuy có giá thành rẻ, làm lạnh nhanh, linh kiện dễ thay thế nhưng lại dễ đóng tuyết dày đặc sau một thời gian sử dụng. Điều này khiến không gian lưu trữ bị thu hẹp lại, làm bạn không thể cất trữ được nhiều thực phẩm.
Điều đó đòi hỏi bạn phải vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, nếu không lớp tuyết sẽ đóng rất dày, ảnh hưởng không tốt đến nhu cầu sử dụng và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh trực tiếp dễ bị mất dưỡng chất và không giữ được độ tươi ngon.
Tốt hơn hết bạn nên chọn tủ lạnh làm mát gián tiếp, nó sử dụng hệ thống làm lạnh gián tiếp và ẩn sâu bên trong thân tủ có quạt dàn lạnh giúp thổi hơi lạnh lan tỏa đều khắp nơi. Từ đó, tủ lạnh sẽ không bị đóng tuyết, giúp bảo quản thực phẩm tươi ngon hơn, hạn chế mất chất dinh dưỡng.
3. Không nên chọn tủ lạnh tiêu thụ nhiều năng lượng
Khi mua tủ lạnh, không nên chỉ nhìn vào dung tích của tủ lạnh. Dung tích lớn là quan trọng nhưng tiết kiệm điện còn quan trọng hơn.
Trên tủ lạnh thường có một mảnh giấy ghi “nhãn tiết kiệm năng lượng” và hiện thị một số từ 1 đến 5 sao. Con số này thể hiện hiệu quả sử dụng năng lượng của tủ lạnh. Nếu các sản phẩm cùng loại, cùng công suất và chức năng thì sản phẩm 5 sao là sản phẩm tối ưu nhất, càng ít sao càng tốn điện.
4. Không nên chọn tủ lạnh công nghệ cao
Trên thị trường hiện nay, tủ lạnh thông minh cao cấp đang được ưa chuộng. Người ta cho rằng nó thông minh vì có một chiếc "máy tính bảng" được gắn bên ngoài tủ lạnh. Vẻ ngoài tinh tế, đẹp mắt, có nhiều chức năng hào nhoáng, có nhiều mánh lới quảng cáo hơn là chức năng thực tế. Những chức năng khác nhau này có liên quan chặt chẽ đến giá cả, nói thẳng ra nó sẽ có giá cao hơn.
Chức năng cốt lõi của tủ lạnh là bảo quản độ tươi và đông lạnh, cần tập trung vào cách tiết kiệm năng lượng và cách cải thiện tác dụng của việc đông lạnh và làm lạnh.
Việc lãng phí tiền vào những tính năng mà bạn có thể không bao giờ sử dụng thực sự không phải là một lựa chọn sáng suốt.
5. Không nên chọn tủ lạnh cửa đôi
Trước đây hầu hết các tủ lạnh đều có cửa trên và cửa dưới, ngăn đông lạnh và ngăn làm mát tách biệt. Tuy nhiên ngày càng có nhiều loại cửa tủ lạnh khác nhau, cửa đôi, cửa chéo và cửa kiểu Nhật.
Nhưng trong số rất nhiều cách mở cửa, không khuyên bạn nên chọn tủ lạnh 2 cửa. Chỉ cần bạn mở cửa, điều này tương đương với việc lộ toàn bộ nguyên liệu trong tủ lạnh ra bên ngoài, điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc bảo quản thực phẩm mà còn làm tăng mức tiêu thụ điện năng.