Măng tây chứa nhiều chất dinh dưỡng, hương vị thơm ngon nên được nhiều người yêu thích. Không chỉ vậy, loại rau này còn được mệnh danh là “nữ hoàng giữ dáng”, bổ hơn khoai môn, nhuận tràng hơn khoai lang. Mỗi tuần ăn 2-3 lần mỡ và chất béo sẽ biến mất, người đẹp, eo thon.
Ngoài hỗ trợ giảm cân, măng tây còn có khả năng phòng ngừa loãng xương, tăng cường khả năng miễn dịch và chống ung thư. Tuy nhiên, giá thành của loại rau này không hề rẻ, giá măng tây loại 1 thường trên 100.000 nghìn/kg. Vậy tại sao bạn không cân nhắc tới việc trồng măng tây ngay tại nhà để phục vụ cho bữa ăn gia đình?
Măng tây có thể được phân loại theo 3 màu sắc phổ biến là măng tây trắng, măng tây tím và măng tây xanh. Trong năm có thể trồng măng tây vào 2 thời vụ, một là gieo hạt giống từ tháng 8 đến đầu tháng 9 và đem ra trồng từ tháng 2 đến tháng 3; hai là gieo hạt cuối tháng 2 đến tháng 4 và đem trồng từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch.
Cách trồng măng tây ngay tại nhà
Trước khi âm ngủ hạt giống, bạn nên đưa hạt giống ra phơi nắng chiều từ 2-3 giờ cho hạt khô. Việc này sẽ giúp tăng cường khả năng hút nước của hạt, vì hạt giống măng tây lớn và có vỏ khá dày.
Sau khi phơi, xả nước lạnh và chà xát hạt để loại bỏ hạt lép, làm sạch bụi bẩn bám trên hạt. Tiếp theo, ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 40-45 độ C từ 15-20 tiếng, cứ 4 tiếng thay nước một lần.
Sau khoảng thời gian đó, hãy vớt hạt giống ra và rắc hạt lên bề mặt đất, bên trên rải một lớp tro hoặc mùn dày khoảng 1-1.5cm. Tưới nước đều đặn 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối.
Hoặc, bạn có thể ủ hạt trong khăn tối màu, có nhiệt độ 30-40 độ C trong khoảng 1 tuần. Khăn sau đó được đặt vào khay nhựa và để vào nơi kín gió, khuất sáng, 12 giờ phun nước ấm 1 lần. Sau 9-12 ngày, hạt giống sẽ nứt nanh thì lúc này bạn có thể ươm vào bầu đất được rồi.
Lưu ý, đất trồng măng tây cần phải tơi xốp và nhiều dưỡng chất. Trước khi ươm hạt khoảng 10 ngày cần bón vôi để diệt sâu bệnh trong đất.
Muốn măng tây phát triển tốt, hãy nắm vững 4 bí quyết này
- Tránh tưới nước sau 5 giờ chiều
Vào mùa nắng, bạn nên tưới nước cho măng tây 2- lần/ngày nhưng tuyệt đối không được tưới nước sau 5 giờ chiều, nếu không có thể ảnh hưởng tới những mầm măng mới nhú. Bạn cũng có thể phủ rơm rạ, tro trấu hoặc xơ dừa lên đất chậu để giữ ẩm cho cây.
Khi trời mưa, nên thường xuyên kiểm tra đất chậu, nếu thấy nước đọng cần tiến hành thoát nước cho cây, hoặc che chắn để tránh ngập úng, gây thối rễ, chết gốc.
- Bón phân thường xuyên
Sau khi trồng được 15-20 ngày, nên bón thúc lần 1 bằng phân bón phức hợp NPK 15-15-15 pha với nước, tưới thẳng vào gốc cây. Cứ cách 10-15 ngày, tiếp tục bón thúc phân NPK 16-16-8 kết hợp với các loại phân bón vi sinh cho đến thời điểm cách thu hoạch tầm nửa tháng thì ngừng lại.
- Đảm bảo nhiệt độ mát mẻ
Măng tây ưa khí hậu mát mẻ nhưng không chịu được rét, trong điều kiện thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của cây. Nhiệt độ thích hợp nhất để cây phát triển là khoảng 25-30 độc C.
Bên cạnh đó, măng tây là loại cây ưa sáng nên cần để cho cây tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nếu không cây sẽ sinh trưởng chậm và cho năng suất kém.
- Cắt tỉa lá già thường xuyên
Bạn cần phải cắt tỉa lá già thường xuyên để tránh cây quá rậm rạp, tiêu tốn chất dinh dưỡng khiến cây khó mọc mầm, năng suất thấp. Đồng thời, cắt tỉa lá già còn giúp phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây.
Măng tây có thể cho thu hoạch sau 6 tháng. Khi thu hoạch, bạn có thể liên tục trong 15 ngày đầu, sau đó cần tạm ngưng 15 ngày để bón phân, cung cấp dinh dưỡng cho cây rồi mới tiếp tục thu hoạch đợt tiếp. Sau 3 tháng như vậy nên cắt tỉa cây già một lần, mỗi bụi chỉ giữ lại 3-4 cây mẹ để cây thông thoáng, dễ mọc chồi mới.
Trong 1-2 năm đầu, sản lượng thu hoạch măng tây còn thấp nhưng từ năm thứ 3 trở đi, năng suất sẽ cao hơn nhiều, chất lượng măng tây cũng tốt hơn. Nếu biết cách chăm bón, loại rau măng tây có thể cho thu hoạch suốt 20-30 năm.