Hoa ngũ sắc còn có nhiều tên gọi khác như bông ổi, thơm ổi, trâm ổi, mã anh đơn,… tên khoa học là Lantana camara L., thuộc vào họ Cỏ Roi Ngựa (Verbenaceae). Đây là cây thân gỗ, cao khoảng 0,5 - 1m, thân cây có gai nhọn, cành mềm và mọc vươn ra khắp nơi.
Loài cây này gọi là hoa ngũ sắc vì hoa có nhiều màu sắc rực rỡ như đỏ, cam, vàng, tím,… tạo thành từng chùm. Hoa ngũ sắc có khả năng nở quanh năm, nở hơn 200 ngày mỗi năm. Quả khi còn non có màu xanh nhưng khi chín lại có màu đen, vị ngọt và thơm ngon, bên trong chứa hạt.
Loại cây này xưa toàn mọc dại, hoặc trồng làm hàng rào, nay được nhiều người mang về trồng trong chậu làm cây bonsai, giá trị làm cảnh rất cao. Ngoài làm cảnh, hoa ngũ sắc còn có nhiều tác dụng trong y học như chữa ho khan, ho ra máu, ho lao hoặc do thời tiết thay đổi; trị chứng sổ mũi, nghẹt mũi, viêm xoang, kháng viêm, giải độc,…
Trong phong thủy, hoa ngũ sắc có tác dụng tỏa ra nguồn năng lượng tích cực, điều hòa vượng khí xung quanh nhà, từ đó giúp gia đình bình an, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Chính vì thế, hoa ngũ sắc được cho là một trong những loài hoa “bình an”.
Cách trồng hoa ngũ sắc
Bạn có thể tìm kiếm hoa ngũ sắc trên những ngọn đồi, ven đường mang về nhà trồng. Hoặc có thể mua tại các cửa hàng hoa, cây cảnh hay tự trồng bằng cách gieo hạt, giâm cành, nhưng phương pháp giâm cành là phổ biến hơn cả.
Với phương pháp gieo hạt, hãy lấy hạt từ quả chín gieo vào bầu đất, tưới nước để cấp độ ẩm như bình thường. Sau khoảng 3-4 ngày, hạt giống sẽ nảy mầm và 2 tuần sau đó cây non sẽ bắt đầu phát triển.
Với phương pháp giâm cành, hãy chọn cành bánh tẻ khỏe mạnh, cắt thành từng đoạn dài khoảng 15-20cm rồi cắm trong chậu đất. Không lâu sau cành giâm sẽ bén rễ, phát triển thành cây to.
Cách chăm sóc hoa ngũ sắc
Loại hoa này rất dễ trồng và không tốn nhiều công sức chăm sóc, nhưng muốn hoa nở nhiều thì bạn nên chú ý tới những yếu tố sau đây.
- Đất trồng tơi xốp, màu mỡ
Hoa ngũ sắc không kén đất và có thể trồng ở đất vườn. Tuy nhiên, đất vườn rất dễ bị nén chặt đất, không có lợi trong quá trình phát triển của cây.
Tốt hơn hết nên trồng trong đất tơi xốp, thoáng khí. Bạn có thể trộn đất trồng theo tỷ lệ 50% đất vườn : 30% cát sông : 20% phân hữu cơ hoai mục để trồng hoa.
- Nên chọn chậu lớn
Nếu trồng hoa ngũ sắc trong chậu, bạn nên trồng trong chậu lớn. Nguyên nhân là do loại hoa này phát triển rất mạnh, rất nhanh. Trồng trong chậu lớn sẽ có lợi hơn cho sự phát triển của nó.
- Đảm bảo đủ ánh sáng
Hoa ngũ sắc rất ưa nắng, vì thế nên đặt chậu ở nơi có đủ ánh nắng. Mùa hè không cần che nắng. Có đủ ánh sáng, cây sẽ phát triển mạnh hơn, hoa nở nhiều hơn và thời gian hoa nở kéo dài hơn. Nếu không đủ ánh sáng, cây sẽ chỉ phát triển cành lá, ít ra hoa.
- Bón phân thường xuyên
Không có vấn đề gì lớn nếu không bón phân cho hoa ngũ sắc khi trồng trực tiếp trong vườn nhà, nhưng nếu muốn cây trồng trong chậu ra hoa thì vẫn cần phải bón phân thường xuyên. Khi cành mới mọc ra vào mùa xuân, nên bón phân hỗn hợp hoặc phân hòa tan 10 - 15 ngày một lần.
Khi hoa ngũ sắc ra hoa, nên chuyển sang bón phân kali dihydro photphat, cứ 5-7 ngày bón một lần để thúc đẩy cây ra hoa nhiều, màu sắc rực rỡ hơn.
- Tưới nước thường xuyên
Khi cây còn non, bạn phải thường xuyên tưới cho cây hoa ngũ sắc từ 1 - 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng sớm và chiều mát. Khi cây trưởng thành, chỉ cần tưới từ 2 - 3 lần/tuần để tránh làm cho cây bị úng rễ và dẫn đến chết cây.
Ngoài ra, để cây ra hoa nhiều, hạn chế tình trạng sâu bệnh thì bạn nên cắt tỉa cành thường xuyên. Ngoài ra, bạn có thể tạo dáng cho cây đẹp hơn.