Mặc dù còn gần 2 tuần nữa mới đến Tết nhưng hơn một tuần nay ngôi nhà chị Thúy An (30 tuổi, Hà Nội) đã tràn ngập không khí xuân về.
Chị Thúy An cho biết, mọi năm do công việc bận rộn và có thói quen không trang trí, sắm sửa sớm nên thông thường 27-28 Tết, gia đình chị mới bắt đầu mua sắm.
Chị Thúy An.
Ngày cận Tết mọi thứ cứ vội vàng khiến chị không có thời gian để chu đáo trong từng khâu trang trí, thậm chí từng đồ bày biện cũng không có thời gian ngắm. Năm nay, chị quyết định trang trí dọn dẹp nhà cửa, sắm Tết ngay từ mồng 8.
“Mình không mua nhiều đồ để trang trí mà chỉ mua 1 số đồ cơ bản và là điểm nhấn như cành đào, cây quất, lọ hoa nhỏ cắm các loại hoa đặc trưng cho Tết như lay ơn, ly... và lau dọn nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên hơn. Tổng chi phí cho việc sắm đào, quất và hoa của mình chỉ khoảng 1 triệu vì mua sớm và lựa chọn chỗ mua hợp lý”, chị Thúy An cho biết.
Không gian phòng khách trước và sau khi trang trí đón Tết.
Trong không gian nhà, chị chú trọng nhất là trang trí phòng khách bởi nơi đây sẽ là điểm nhấn cho ngôi nhà. Chính vì vậy, chị mất khá nhiều thời gian dọn dẹp, bày biện. Do ngôi nhà có diện tích nhỏ nên chị phải lựa chọn sao cho ấm cúng, gọn gàng mà không bị vướng và ảnh hưởng tới sinh hoạt.
Không gian bếp tinh tươm.
Với không gian bếp, để làm mới không gian, chị lau dọn, sắp xếp mọi vật dụng gọn gàng, cắm một bình hoa thật đẹp đặt lên để tạo màu sắc và sức sống mới cho căn nhà. Đặc biệt, việc lựa chọn các loại hoa nhìn vào là đã thấy Tết như lay ơn khiến cho không gian nhà chị trở nên ấm cúng hơn.
Với không gian phòng ngủ chị cũng chỉ đơn giản dọn dẹp gọn gàng. Còn với khu vực ban công, vợ chồng chị tự làm các kệ treo cây cảnh và bố trí các cây sao cho phù hợp mang thiên nhiên, sắc xanh vào trong không gian gia đình.
“Sau khi dọn dẹp xong, 2 khu vực mọi người thích nhất khi vào nhà là phòng khách và ban công. Rất nhiều người hỏi mình việc thiết kế. Sau khi cả nhà cùng nhau trang trí xong, mọi người đều rất hào hứng và ưng ý vì cảm giác không khí Tết ngập tràn. Chi phí trang trí nhà mình cũng không tốn quá nhiều vì cả nhà cùng nhau làm những phần tự làm được, chỉ mua thêm đào, quất, hoa và 1 số thứ bé bé khác”, chị Thúy An chia sẻ.
Ban công được ông xã chị tự tay làm.
Chị Thúy An tâm sự, phong tục dọn nhà đón Tết của Việt Nam rất hay, nó không chỉ giúp không gian gia đình sạch sẽ, gọn gàng chào đón năm mới mà còn giúp các thành viên trong gia đình gắn kết nhau hơn, cùng nhau làm và tận hưởng thành quả sau đó. Mặc dù tổng dọn dẹp nhà cửa khá mệt nhưng nhìn thấy sự hào hứng của mọi thành viên trong gia đình, ai cũng quên hết điều đó mà xắn tay áo chung sức với nhau.
“Để có thể lựa chọn được đồ trang trí đẹp mọi người nên vào google và chọn các mẫu mà mình mong muốn trang trí và thích. Sau đó mọi người lựa chọn không gian phù hợp ở nhà mình để sắp xếp. Trước khi mua đồ mọi người nên đo kích thước của khu vực mình định để đồ sao cho khi mua về vừa khít để không phải chỉnh sửa nhiều và được ưng ý hơn”, chị tư vấn.
Chia sẻ thêm chị cho biết, điều quan trọng nhất trong trang trí ngày Tết để mang lại không gian tràn ngập sắc Xuân, ấm cúng là lựa chọn phù hợp mọi thứ với không gian sống và với hoàn cảnh. Thêm nữa, cả nhà được cùng nhau chuẩn bị và trang trí sẽ mang lại cảm giác đoàn viên, ấm áp.
Các phòng được dọn dẹp cẩn thận.
Tết tràn ngập trong ngôi nhà chị với mâm cỗ cúng rằm tháng Chạp.