Ban công tầng 3 "phủ kín" hơn 200 chậu hoa hồng
Ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Hải Hà (Hưng Yên) gây ấn tượng mạnh với bất kì vị khách đến chơi bởi vẻ đẹp rực rỡ như tranh vẽ của hàng trăm chậu hoa hồng đua nhau khoe sắc trên ban công tầng 3.
Chị Hải Hà bắt đầu trồng hồng từ 7 năm trước. Thời gian đầu cũng chỉ trồng vài chậu để tạo vẻ đẹp rực rỡ, nhưng càng trồng chị lại càng mê. Sau nhiều năm vừa trồng, vừa đúc rút kinh nghiệm, vườn hồng của chị hiện có hơn 200 chậu giống hồng khác nhau, liên tục khoe sắc.
Bà mẹ trẻ cười vui vẻ nói:" Chị có thể bỏ hàng giờ đồng hồ để ngắm hoa, cắt tỉa, chăm bón mà không biết chán. Cũng vì yêu hoa, mà chị luôn bị mọi người trêu đùa chăm hoa hơn chăm chồng. Bởi nhiều hôm, 10 giờ tối chị còn lọ mọ bắt sâu cho cây, ông chồng giận vì chị đi làm cả ngày tối còn chăm hoa.
Nhưng vì chồng chị cũng đam mê cây cảnh nên cũng hiểu cho vợ, giờ đi đâu thấy có giống hoa hồng đẹp anh lại mua về cho chị trồng, chị càng vui hơn vì lan tỏa được niềm đam mê tới chồng.
Hằng ngày, đi làm về mệt mỏi hay căng thẳng chuyện gì đó trong cuộc sống, chỉ cần lên ban công ngắm nhìn những bông hồng là bao nhiêu mệt mỏi dường như xóa tan hết".
Được chị Hải Hà chăm sóc tốt, những bông hoa đua nhau bung nở rực rỡ.
Kinh nghiệm chăm sóc hồng của chị Hải Hà
Theo chị Hải Hà, để có được những loài hoa nở đẹp rực rỡ, yếu tố đầu tiên đó chính là thực sự yêu chúng, xem chúng như một phần của cuộc sống. Bên cạnh đó, việc chăm sóc cũng vô cùng tỉ mẩn. Chị dành ra một khoảng thời gian trong ngày cho việc tưới cây, tỉa cành, bắt sâu....
Qua quá trình trồng hồng, chị đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu, chị cho biết, để trồng hồng khỏe mạnh, đầu tiên ưu tiên chọn giống ở các nhà vườn uy tín, sau khi mua về, nên chú ý khâu trộn đất. Đất phải tơi xốp thì rễ cây mới không bị bít dẫn đến tình trạng thối rễ. Giá thể trồng gồm: đất thịt, trấu hun, xơ dừa, phân hữu cơ, phân bò hoặc phân trùn quế cộng với thuốc chống nấm thêm chút kích rễ.
Từ 10-15 ngày khi cây ra rễ, ra lá non nên bón bổ sung NPK với phân cá để tưới cho cây, và tưới kích rễ cho hoa. Bởi bộ rễ khỏe thì cây sẽ khỏe và đẹp. Trong giai đoạn cây bật mầm, nên phun một vài loại phân bón lá bổ sung Kali cho cây nhiều hoa. Nên bón phân, xới gốc lúc đâm chồi thì cây sẽ mập hơn và hoa nở to.
Chị Hải Hà chia sẻ thêm:" Hồng là cây ưa nước và ham ăn nhưng không chịu được úng nên đất ngoài đủ chất thì phải tơi xốp, thoát nước tốt. Nên chọn loại chậu có lỗ thoát nước tốt và có chiều sâu ( chậu có đáy không bằng phẳng hoặc thành chậu có khe thoát nước) để đảm bảo khi tưới đẫm không bị đọng nước trong chậu. Nếu chậu bị đọng nước cây sẽ dễ bị thối thân hoặc sinh nấm bệnh, giảm sức đề kháng dẫn đến suy yếu và chết.
Đặc biệt, một yếu tố rất quan trọng khi chăm sóc hồng là phải thường xuyên cắt tỉa lá già, các cành yếu và cả các hoa tàn để tập trung sức nuôi cây và phải giữ cho bề mặt đất bên dưới gốc hồng luôn sạch.
Hoa hồng cần nắng, không chịu nước nhiều nên phải sắp xếp cây ở vị trí có đủ ánh nắng tối thiểu 6giờ/ngày, nên tưới nước vào buổi sáng và chiều chiều, tuyệt đối không nên tưới muộn quá cây và lá vẫn còn ướt sẽ làm cho nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Chị cho biết, hồng rất hay bị bệnh trĩ và nhện, phấn trắng, nấm đen thân. Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh. Mỗi tháng/ 1 lần nên phun các loại thuốc để phòng bệnh cho hoa, còn khi cây bị bệnh rồi rất khó chữa, cây mất sức chậm phát triển và cho hoa không đẹp.
Mời bạn ngắm thêm ngôi nhà hoa hồng của chị Hải Hà
Hoa hồng luôn đẹp xinh, duyên dáng ở bất kỳ góc nhỏ nào trên ban công tầng 3 nhà chị.
Quanh năm nhà chị đều có hoa hồng khoe sắc.
Trồng hồng ở ban công được hứng nắng trực tiếp nên hồng của chị rất sai hoa và phát triển khá mạnh.
Chón đi về bao nhiêu người mơ ước.
Chị Hải Hà tự hào khi ước mơ có một "ngôi nhà hoa hồng" đã trở thành hiện thực.