Điều hòa nhiệt độ là thiết bị vô cùng hữu ích trong việc giúp làm dịu không khí nóng bức trong phòng, xua tan cái nóng oi ả, mang tới cảm giác mát mẻ và vô cùng dễ chịu trong mùa hè đầy khắc nghiệt. Tuy nhiên vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay, đó là làm thế nào để sử dụng điều hòa nhiệt độ một cách tối ưu nhất nhằm giúp tiết kiệm điện năng và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Để nhiệt độ điều hòa 25 - 26 độ khi đi ngủ ban đêm có thực sự tốt hay không?
Đối với những gia đình có trẻ nhỏ thì việc để điều hòa nhiệt độ ở mức nhiệt thế nào là điều vô cùng quan trọng. Bởi trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc phải các bệnh về hô hấp nếu nhiệt độ điều hòa ở mức thấp, kèm theo đó là tình trạng khô da cùng một số bệnh lý liên quan khác. Do đó với những gia đình có trẻ nhỏ dưới 3 tuổi có thói quen để mức nhiệt độ điều hòa ở ngưỡng từ 25 - 26 độ C.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho biết, chỉ nên duy trì nhiệt độ điều hòa trong phòng không chênh lệch quá 5 - 8 độ C so với nhiệt độ ngoài trời, đặc biệt là vào ban đêm khi đi ngủ. Bởi điều này sẽ khiến cơ thể con người không bị sốc nhiệt đột ngột khi đi từ trong phòng ra bên ngoài. Bên cạnh đó, ban đêm khi ngủ thân nhiệt cơ thể người thường bị hạ thấp, nếu như điều hòa vẫn để từ 25 - 26 độ C sẽ khiến chúng ta dễ bị cảm lạnh, thậm chí là bị ốm. Đặc biệt trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng rất cần được giữ ấm cơ thể.
Sử dụng điều hòa thế nào cho đúng?
Vào ban đêm, chúng ta nên để nhiệt độ điều hòa trên mức 26 độ, vào khoảng từ 27 - 28 độ C. Điều này sẽ giúp cơ thể chúng ta không bị nhiễm lạnh khi ngủ sâu giấc, tránh phải thức giấc giữa đêm để điều chỉnh lại điều hòa. Hoặc bạn có thể sử dụng chế độ hẹn giờ bật/tắt để tự động tắt điều hòa khi cần thiết.
Đặc biệt, đa số các dòng sản phẩm điều hòa nhiệt độ đều có tính năng Sleep trên chiếc điều khiển. Đây là tính năng cho phép điều hòa nhiệt độ điều chỉnh tự động mức nhiệt sao cho cân bằng với nhiệt độ môi trường xung quanh, từ đó giúp thân nhiệt của chúng ta giữ ở mức ổn định. Thông thường, sau khi hoạt động ở chế độ Sleep được 1 giờ, điều hòa sẽ tự nâng thêm 1 độ C, cứ thế nâng đến tối đa là 29 độ và duy trì liên tục trong khoảng 10 tiếng.
Kết thúc chế độ Sleep, điều hòa sẽ tự động tắt để ngưng hoạt động, giúp tiết kiệm điện năng cũng như bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. Đây là một chế độ hữu ích trên các sản phẩm điều hòa nhiệt độ mà chúng ta cần quan tâm và dùng cho đúng cách.
Nên sử dụng điều hòa bao nhiêu tiếng mỗi ngày?
Ngoài việc thiết lập nhiệt độ điều hòa một cách tối ưu để bảo vệ sức khỏe, việc sử dụng điều hòa liên tục trong thời gian dài có thể gây lãng phí điện năng, làm hóa đơn tiền điện của gia đình bạn gia tăng một cách chóng mặt. Vậy nên thời gian sử dụng điều hòa bao nhiêu tiếng mỗi ngày sẽ phụ thuộc phần lớn vào tình hình thời tiết bên ngoài ra sao, có còn cực đoan hay không.
Thực tế cho thấy, những ngày có nhiệt độ tăng cao trên mức 40 độ C sẽ khiến nhiều gia đình sử dụng điều hòa gần như cả ngày lẫn đêm. Bởi cái nóng oi bức diễn ra từ sáng cho đến tối, khiến cho cơ thể cảm thấy khó chịu, khó đi vào được giấc ngủ. Tuy nhiên để tối ưu chi phí tiền điện hàng tháng, mỗi gia đình có thể sử dụng điều hòa khoảng 12 - 15 tiếng mỗi ngày, thậm chí có thể giảm xuống còn 8 - 10 tiếng mỗi ngày nếu như điều kiện thời tiết tốt hơn một chút.
Đối với gia đình có trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, việc cho trẻ sử dụng điều hòa quá lâu không hề tốt đối với sức khỏe. Vậy nên hãy luôn chú ý tới tình trạng của trẻ, bổ sung nước khi cần thiết để tránh bị khô da, ảnh hưởng tới hệ hô hấp còn non nớt của trẻ.
Một số lưu ý khác khi sử dụng điều hòa
Bên cạnh việc để nhiệt độ phù hợp khi sử dụng điều hòa, bạn có thể bật quạt với số nhỏ để giúp không khí mát lạnh được lưu thông đều khắp căn phòng. Hạn chế đặt chậu nước trong phòng bởi điều này sẽ làm gia tăng lượng ẩm mà cơ thể có thể hít phải, khiến gây ra các bệnh về hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Nếu như bạn và người thân đang bị ốm, mệt mỏi, hãy hạn chế hoặc tránh sử dụng điều hòa nhiệt độ. Bởi nó có thể khiến thân nhiệt cơ thể bị thay đổi, làm tình trạng bệnh đang gặp phải ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Cuối cùng, hãy thiết lập chế độ hẹn giờ tắt điều hòa vào ban đêm để tránh việc phải thức dậy giữa đêm để tắt điều hòa vì lạnh, và cũng để tránh cơ thể bị sốc nhiệt khi thức dậy vào sáng ngày hôm sau.