Ở Việt Nam măng tây thích hợp trồng vào 2 mùa vụ tháng 2 – 3 và 4 – 6 hàng năm do thời tiết mát mẻ, độ ẩm cao thích hợp trong giai đoạn măng mới trồng và cần kích thích bộ rễ. Theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn thì gieo hạt giống măng tây vào vụ xuân từ tháng 2 – 3 sẽ tốt và đảm bảo tỷ lệ sống của măng tây hơn các vụ khác trong năm.
1. Các bước ủ măng tây
Bước 1: Ngâm hạt
- Hạt giống măng tây có đặc điểm là vỏ dày và to. Vì thế, trước khi thực hiện công đoạn ngâm hạt, bạn cần đem phơi nắng hạt măng tây khoảng 2 giờ. Việc làm này có tác dụng giúp tăng khả năng hút nước của hạt giống măng tây, từ đó tăng tỉ lệ nảy mầm.
- Sau khi phơi, bạn rửa sạch hạt giống bằng nước lạnh rồi chà nhẹ nhàng để loại bỏ bụi bẩn và những hạt lép, hỏng.
- Tiếp theo, bạn cho hạt giống măng tây đã rửa sạch vào ngâm trong nước 30 độ C khoảng 1 đến 2 ngày. Lưu ý, cứ khoảng nửa ngày, bạn lại tiến hành rửa hạt giống và thay nước 1 lần để hạt có thời gian trao đổi dưỡng khí nhằm kích thích khả năng nảy mầm.
-
- Tiếp đến, bạn ngâm hạt giống măng tây trong dung dịch kích thích nảy mầm chuyên dụng khoảng 30 phút.
Bước 2: Ủ hạt
Đây là bước làm có ý nghĩa quan trọng trong kỹ thuật trồng măng tây bằng hạt. Bước làm này sẽ tùy thuộc vào số lượng hạt măng tây mà bạn muốn trồng. Dưới đây sẽ là 2 cách ủ hạt để bạn có thể tham khảo:
* Ủ hạt với số lượng lớn
- Bạn bắt đầu bằng việc rải lên mặt nền hay mặt đất ở chỗ kín một lớp tro hoặc mùn dày từ 1 đến 1,5cm.
- Tiếp đến, bạn lót 1 tấm lưới lên trên rồi tiếp tục rắc một lớp tro lên mặt tấm lưới.
- Bạn rắc hạt giống măng tây đã ngâm lên trên lớp tro trấu, sau đó phủ tiếp một lớp tro trấu dày khoảng 1cm lên trên.
- Cuối cùng, bạn dùng tấm lưới phủ lên bề mặt, mỗi ngày tưới nước 2 lần vào chiều mát và sáng là được.
* Ủ hạt với số lượng ít
- Nếu số lượng hạt măng tây ít, bạn có thể ủ trong tấm vải tối màu ở nhiệt độ 30 đến 40 độ C trong khoảng 1 tuần.
- Bạn đặt khăn ủ vào khay nhựa rồi để ở nơi kín gió, tránh ánh sáng. Cứ sau 12 tiếng, bạn nên phun nước ấm cho khăn 1 lần.
- Sau 9 đến 12 ngày, hạt giống sẽ nứt, bạn kiểm tra hạt nảy mầm đều chưa, nếu đều rồi thì lấy ra để hạt ráo và đem ươm.
2. Hướng dẫn trồng măng tây
Khi đã kết thúc quá trình ủ hạt, bạn tiến hành ươm và chăm sóc măng tây. Bạn có thể thực hiện theo các bước dưới đây:
Bước 1: Chuẩn bị đất ươm hạt
Trước khi ươm hạt khoảng 10 ngày, bạn cần bón vôi vào đất để diệt bỏ sâu bệnh. Ngoài ra, bạn cũng nên cuốc, xới đất kỹ lưỡng, cho đất được phơi nắng để loại bỏ mầm bệnh, đồng thời bổ sung mùn mục, phân chuồng ủ hoai, phân ure... cho các bầu đất nhằm tăng dưỡng chất nuôi cây.
Bước 2: Ươm hạt
Thời gian ươm hạt có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Bạn có thể tiến hành ươm hạt theo các bước sau đây:
Cho đất vào các bầu ươm rồi lắc đều lên để đảm bảo độ nén của đất. Tiếp đến, bạn phun một ít nước để tạo độ ẩm cho đất.
Bạn dùng ngón tay ấn nhẹ xuống bầu đất để tạo lỗ sâu khoảng 1 đến 2cm.
Tiếp theo, bạn đặt hạt giống măng tây đã được ủ thành công vào lỗ rồi lấp một lớp tro trấu lên trên.
Tưới nước lên toàn bộ bầu ươm và tiến hành đục lỗ ở đáy bầu để giúp thoát nước.
Cuối cùng, bạn đặt bầu ươm ở nơi có ánh sáng để kích thích quá trình nảy mầm.
Bước 3: Tưới nước
Nếu vào mùa hè, bạn cần tưới nước cho bầu ươm 2 đến 3 lần mỗi ngày và tưới sau 17 giờ để không làm các mầm măng mới nhú bị ảnh hưởng. Ngoài ra, bạn cũng nên phủ rơm hoặc xơ dừa lên trên để giữ ẩm cho bầu ươm.
Còn vào mùa mưa, bạn cần thường xuyên kiểm tra rãnh thoát nước để măng không bị ngập úng.
Bước 4: Bón phân
Sau khi trồng 15 đến 20 ngày, bạn có thể bón thúc lần 1 cho cây. Bạn pha phức hợp NPK 15 - 15 - 15 với nước, sau đó tưới vào gốc cây măng tây và vun đất ở gốc.
Bước 5: Xử lý sâu bệnh
Bạn nên thường xuyên kiểm tra cây để kịp thời phát hiện sâu bệnh và có hướng xử lý thích hợp nhất.