Căn bếp là nơi chứa rất nhiều thứ như củi, gạo, dầu, mắm muối,… và đây là nơi tạo ra những bữa ăn ngon. Tuy nhiên, để có một bữa ăn ngon và đảm bảo sức khỏe thì chúng ta cũng cần phải chú ý tới dụng cụ làm bếp, có những cái cần phải bỏ đi càng sớm càng tốt để tránh gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là 4 thứ trong căn bếp cần thay sớm:
1. Bát đĩa nhựa
Các sản phẩm nhựa luôn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều bà mẹ chọn bát đĩa nhựa giá rẻ cho con vì trên đó có in họa tiết đáng yêu cũng như giúp con cầm đỡ bị rơi vỡ. Tuy nhiên, những mẫu họa tiết này thường chứa các nguyên tố kim loại như chì và cadmium. Dù chúng có một lớp màng bảo vệ trên bề mặt nhưng một khi lớp màng này bị trầy xước, các chất độc hại sẽ được giải phóng ra ngoài.
Ngoài ra, bát đĩa nhựa không chịu được nhiệt độ cao, dễ bị biến dạng, thậm chí bị chảy nhựa khi gặp nhiệt độ cao. Sau đó, nó sẽ tạo ra phản ứng hóa học với thức ăn trong bát sinh ra các chất độc hại, có hại cho sức khỏe con người khi ăn vào.
Vì vậy, đối với bát đĩa nhựa, bạn nên kiểm tra loại sản phẩm có giấy phép sản xuất hay không, nên chọn bát đĩa mà trắng và không có hoa văn. Tốt nhất nên thay bát đĩa nhựa định kỳ 6 tháng/lần. Nếu có biến dạng hoặc trầy xước thì cần thay ngay, để tránh việc các phân tử nhựa bị mòn sẽ biến đổi và sinh ra chất độc hại fomanđehit.
2. Miếng bọt biển rửa bát
Miếng bọt biển có khả năng hút nước mạnh và làm sạch nhanh, nhưng bạn đừng tiếc rẻ mà dùng nó lâu dài. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng miếng bọt biển chẳng khác gì như một “quả bom vi khuẩn”, vì nó có thể chứa tới 362 loại vi khuẩn, kể cả vi khuẩn có trong phân như E. coli – loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột và ngộ độc thức ăn.
Để bảo vệ sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo nên thay miếng bọt biển rửa bát mỗi tuần. Trường hợp không muốn tốn kém, bạn có thể rửa sạch và cất chúng lên rổ cho ráo nước hoặc quay trong lò vi sóng 1 phút hay bỏ vào máy rửa bát ở chế độ sấy khô mỗi ngày. Không nên để nó trong bồn rửa bát để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
3. Thớt mốc
Có nhiều loại thớt được làm từ những nguyên liệu khác nhau, có thể là thớt gỗ hoặc thớt nhựa. Tuy nhiên, dù là thớt gì đi chăng nữa thì một khi chúng bị mốc, bạn cũng nên thay ngay. Bởi lẽ nấm mốc sẽ sinh ra độc tố aflatoxin – chất gây ung thư được Tổ chức Y tế Quốc tế xác định. Hơn nữa, độc tố aflatoxin không thể loại bỏ ở nhiệt độ cao, cho nên bạn có hơ thớt trên lửa hay đem ra phơi nắng cũng vô ích.
Do đó, một khi thớt đã bị mốc, bạn nên sớm thay bằng cái khác để tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân cũng như các thành viên trong gia đình. Để thớt không bị ẩm mốc, sau khi sử dụng thì bạn nên rửa sạch thớt bằng nước muối hoặc nước kiềm nóng, để nơi thoáng gió cho khô.
4. Đũa dùng lâu ngày
Theo các nghiên cứu, đũa sử dụng càng lâu thì số khuẩn bám trên đó càng cao, đặc biệt là khi đũa được sử dụng và cọ xát nhiều lần. Lúc này, trên bề mặt đũa gỗ sẽ hình thành các đường nhăn hoặc rãnh nhỏ, vi khuẩn và chất tẩy rửa sẽ dễ dàng lưu lại trong đó.
Các chuyên gia khuyến cáo nên thay đũa 3-6 tháng/lần. Khi phát hiện đũa bị xước, mòn hoặc biến dạng thì bạn cũng nên thay mới.
Khi mua đũa, dù là chất liệu gì thì bạn chớ nên chọn loại có hoa văn, màu sắc sặc sỡ hoặc bề mặt không bằng phẳng, tốt nhất nên chọn loại đũa không phẩm màu, không sơn và loại đúc nguyên khối (nhẵn, không có vết khía, không chạm khắc).
Bởi vì trong lớp sơn có thể chứa kim loại nặng, có thể hòa tan vào thức ăn trong khi ăn. Bề mặt không nhẵn nhụi có thể ẩn chứa bụi bẩn và trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn và nấm mốc.