Hoa hồng và hoa giấy được cho là hai loài hoa được yêu thích nhất để trồng trong vườn nhà, không chỉ nở với số lượng nhiều mà còn ra hoa to và đẹp, thời gian ra hoa kéo dài. Tuy nhiên, phải biết cách chăm sóc thì hoa mới được như vậy.
Sau tháng 2, hoa hồng và hoa giấy ở nhiều nơi bắt đầu mọc chồi mới, điều này cho thấy cây đang chuyển từ trạng thái ngủ đông sang giai đoạn sinh trưởng, bắt đầu cần một lượng lớn chất dinh dưỡng để phát triển. Nếu thiếu hụt chất dinh dưỡng vào thời điểm này, cành sẽ còi cọc và lượng hoa sẽ ít hơn trong thời kỳ ra hoa, vì vậy cây cần được bổ sung chất dinh dưỡng kịp thời.
Ngoài bón một số loại phân vô cơ, bạn cũng có thể bón thêm một số loại phân hữu cơ dưới đây để hoa hồng, hoa giấy ngay từ bây giờ để cây phát triển khỏe mạnh, ra nhiều đợt hoa trong năm.
1. Phân gà
Phân gà chứa nhiều dưỡng chất hữu ích cho cây, ngoài hàm lượng hữu cơ cao và các vi sinh vật có lợi cho đất giúp làm tăng độ phì của đất, cải tạo đất, giảm mặn, giảm chua và giữ ẩm tốt thì nó còn chứa hàm lượng N – P – K vượt trội, giàu kali và khoáng chất.
Nếu có sẵn phân gà, bạn hãy rải đều phân gà trên mặt chậu, có thể kết hợp với các loại phân vô cơ khác. Nếu đất khô, cần tưới đủ ẩm sau khi bón phân. Cây sẽ phát triển ngày càng mạnh, hoa nở rực rỡ.
2. Phân cừu
Phân cừu cũng là một loại phân hữu cơ thường được sử dụng trong làm vườn. Nó chứa nhiều nitơ, phốt pho và kali. Điều quan trọng nhất là khi bón phân cừu, bạn không cần lo lắng phân bị lên men và gây cháy rễ cây.
Bạn có thể nhặt phân cừu về, sau đó giã nát. Đào vài lỗ trên mép chậu cây, tránh xa bộ rễ của cây rồi cho phân cừu vào hố và lấp đất lại. Khi tưới nước, phân cừu sẽ từ từ phân hủy, giải phóng chất dinh dưỡng và cung cấp cho hoa hồng, hoa giấy, giúp cây sinh sôi nảy nở, lá xanh tươi hơn và ra hoa nhiều hơn.
3. Bã lạc, đậu, vừng
Với phần bã sót lại của các loại hạt như lạc, đậu tương, vừng... trong quá trình sản xuất dầu ăn, bạn có thể dùng để trồng cây, bao gồm cả hoa hồng và hoa giấy. Các loại bã này chứa nhiều phân lân, có tác dụng thúc cây ra hoa, kéo dài thời gian ra hoa.
Bạn có thể bóp vụn bã lạc, đậu rồi trộn trực tiếp vào đất trồng hoặc rải xuống đáy chậu cây. Lưu ý, nên cách gốc một chút nếu không có thể làm cháy rễ. Bạn cũng có thể ngâm bã lạc, đậu, vừng vào nước với tỷ lệ 1:10, phơi nắng 7-15 ngày rồi lấy dung dịch này pha với nước và tưới cho cây cảnh.
4. Xương động vật
Hoa hồng và hoa giấy đều là loại hoa có số lượng hoa nhiều nên cần bón nhiều phân lân và kali. Hàm lượng kali, canxi và phốt pho trong xương rất cao nên bạn có thể thu thập xương gà, xương cá và các loại xương khác nhau rồi cho vào nồi luộc để loại bỏ bớt muối trong xương.
Vớt ra rồi đem đi phơi nắng vài ngày. Khi xương khô giòn, hãy dùng búa đập thành bột. Lưu ý nếu hoa hồng, hoa giấy bị sâu bệnh, tuyệt đối không được bón bột xương cho cây.
5. Ruột cá
Ngoài xương ra, bạn cũng có thể tận dụng ruột cá, vảy cá hay vỏ trứng, vỏ tôm cua,... để ủ lên men rồi mang đi bón cho hoa hồng, hoa giấy. Những thứ này rất giàu lân và kali, có thể thúc đẩy cây ra hoa với số lượng lớn.
Cụ thể, bạn hãy có ruột cá bỏ đi vào thùng, phủ một lớp đất khoảng 20cm, đậy kín nắp. Nếu được, hãy dùng băng keo dán kín và đặt thùng vào góc vườn, khoảng 4-6 tháng sau hãy mang ra dùng. Bạn có thể chôn trực tiếp hỗn hợp này vào chậu hoa hồng, hoa giấy, vị trí cách bộ rễ khoảng 40cm. Lưu ý, hỗn hợp này có mùi rất hôi nên chỉ thích hợp với cây cảnh trồng trong đất, ngoài sân vườn.