Khi độ ẩm không khí lên tới 90% trở lên sẽ gây ra hiện tượng nồm, khiến các bề mặt bị lạnh và ngưng tụ thành giọt nước, bám trên nền nhà, tường và đồ vật,… gây bất tiện cho sinh hoạt cũng như dễ sinh ra nấm mốc, làm hỏng hóc đồ đạc trong nhà.
Trên thực tế, có một số loại cây có khả năng hút ẩm, thanh lọc không khí rất hiệu quả. Nếu trong nhà trồng một trong 9 loại cây dưới đây, đảm bảo nhà bạn quanh năm khô ráo, không lo nồm ẩm hay vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi.
Cây thường xuân
Thường xuân là loại cây thân leo, có sức sống mạnh mẽ, có thể trồng trong chậu nhỏ hoặc để leo bám lên cửa, cổng nhà cũng rất đẹp. Đây là loại cây lý tưởng để hút ẩm, bạn có thể đặt một chậu cây thường xuân trong nhà tắm, nhà bếp hoặc cạnh cửa sổ để chúng phát huy công dụng. Ngoài ra, loại cây này còn có tác dụng thanh lọc không khí, có thể hấp thu các chất có hại như benzen, phenol, nicotine,... rất hiệu quả.
Xương rồng
Loại cây này có thể sống ở những vùng có nhiệt độ khắc nghiệt như sa mạc, thân dày và mọng nước, chúng có thể hút và giữ nước trong không khí, làm giảm độ ẩm. Hơn nữa, trên thân cây còn có các lỗ khí, có khả năng hút khí CO2 và nhả ra khí O2, đồng thời làm tăng nồng độ anion có lợi cho sức khỏe.
Dương xỉ
Dương xỉ được ví như máy hút ẩm không khí, vì loại cây này có khả năng hấp thụ độ ẩm trong không khí, giúp ngôi nhà của bạn luôn khô ráo, không bị ẩm mốc. Cây dương xỉ còn loại bỏ được nhiều loại độc tố có hại trong không khí như benzene, xylene, formaldehyde,… Vì vậy bạn có thể đặt một chậu cây dương xỉ trong nhà để cải thiện chất lượng không khí, cân bằng độ ẩm.
Cây lan ý
Cây lan ý còn có tên gọi khác là bạch môn, vĩ hoa trắng,… sống được cả ở ngoài trời hay trong bóng râm, trồng đất hay trồng thủy sinh đều sinh trưởng tốt. Không chỉ có tác dụng hút ẩm, cây lan ý còn có thể hấp thụ bớt sóng điện tử, các khí độc hại như formaldehyde, benzene, trichloroethylene, xylene và toluene, tiêu diệt các tế bào nấm mốc trong nhà. Chính vì vậy, đây là một lựa chọn tuyệt vời để trồng trong nhà, đặc biệt là với những người gặp vấn đề về hô hấp, hen suyễn hoặc dị ứng.
Cây cọ cảnh
Loại cây này thuộc họ cau, lá có màu xanh hoặc xanh đậm, mép lá có hình răng cưa. Không chỉ có tác dụng phong thủy như xua đuổi ma quỷ, mang lại vượng khí và tài lộc cho gia chủ, cây cọ cảnh còn có khả năng hấp thụ độ ẩm rất tốt. Bên cạnh đó, loại cây này còn đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng những loại cây lọc không khí trong nhà theo nghiên cứu của NASA.
Cây không khí
Có trên dưới 500 loại cây không khí, nhưng ở Việt Nam phổ biến nhất là cây không khí tóc tiên, kim yến, sao mai, hồng hạnh. Loại cây này rất đặc biệt, chúng vẫn có thể tồn tại và sinh trưởng mà không cần đất và nước. Trong quá trình tự tổng hợp, chúng sẽ hấp thụ hơi nước và chất dinh dưỡng từ không khí, hấp thụ luôn khí độc, khói bụi và nhiều chất gây ô nhiễm. Cho nên nếu trồng cây không khí trong nhà, bạn sẽ không còn lo nhà nồm, ẩm mốc nữa.
Thiết mộc lan
Một trong những tác dụng của cây thiết mộc lan là lọc bỏ những độc tố có trong không khí, hấp thụ toàn bộ chất monoxide de carbone. Tất nhiên, loại cây này cũng có khả năng hút ẩm rất hiệu quả. Dù là điều kiện ánh sáng yếu cây vẫn phát triển được, cho nên bạn có thể trồng một chậu thiết mộc lan trong nhà để cải thiện chất lượng không khí.
Cây nguyệt quế
Nhiều người trồng cây nguyệt quế với mong muốn cây sẽ mang lại thành công cho họ trên con đường công danh sự nghiệp, bởi loại cây này được coi là biểu tượng của vinh quang, chiến thắng và uy quyền. Song, loại cây này cũng có thể giúp hấp thụ độ ẩm không khí, tạo môi trường khô thoáng, dễ chịu trong nhà.
Cây phong lan
Phong lan bốc hơi nước trên mặt lá, khi lá bốc hơi nước càng mạnh thì cây hút nước càng nhiều. Đặt một chậu phong lan trong môi trường ẩm ướt, nước trong không khí sẽ thẩm thấu qua lông hút vào bên trong rễ cây. Phong lan còn có mùi hương dịu dàng, dễ chịu, trồng một chậu trong nhà vừa làm đẹp không gian sống vừa giúp giảm độ ẩm, giúp con người cảm thấy khoan khoái, thư giãn.