1. Tưới bao nhiêu nước cũng được
Cây kim ngân có thân to, mập nên nhiều người lầm tưởng nó cần nhiều nước và tưới thường xuyên. Thực tế, bộ rễ của cây rất mỏng và thưa, phát triển kém nên khả năng hấp thụ nước bị hạn chế. Chính vì thế, bạn không nên tưới nước quá nhiều để tránh tình trạng thối rễ, vàng lá, cây chậm phát triển.
Tưới nước quá nhiều gây tình trạng thối rễ, vàng lá
Tưới cây kim ngân đúng cách:
- Mùa xuân và mùa thu: nên tưới 1 lần/tuần.
- Mùa hè: lượng nước bốc hơi nhanh hơn nên cần tưới 1-2 lần/tuần.
- Mùa đông: chỉ cần tưới 1 lần/tháng là được. Nếu nhiệt độ trong nhà cao hơn 20 độ, bạn có thể tưới nước như mùa xuân.
Lưu ý:
- Bạn nên tưới đẫm nước để có lợi cho sự phát triển của bộ rễ, tưới hời hợt khiến rễ cây không thể đâm sâu vào đất.
- Cần lót một ít sỏi dưới đáy chậu trước khi trồng để lượng nước dư thừa được thoát ra dễ dàng, tránh hiện tượng úng nước làm tổn thương bộ rễ.
- Cây kim ngân ưa nước chua, thích hợp tưới nước mưa có tính axit.
2. Đặt ở mọi nơi nhiệt độ khác nhau
Nhiệt độ vào mùa đông tương đối thấp, dễ khiến lá cây kim ngân bị tê cóng và có đốm đen, thậm chí còn ảnh hưởng tới hệ thống rễ.
Cây kim ngân bị tê cóng và có đốm đen
Nhiệt độ thích hợp cho cây kim ngân phát triển tốt nhất là từ 20-30 độ C. Vì vậy, cây rất sợ lạnh, thường không sinh trưởng được khi nhiệt xuống thấp hơn 5 độ C. Vào mùa đông, tốt nhất nên đặt kim ngân ở nơi có nhiệt từ ổn định từ 18-20 độ C.
3. Đặt ở nơi thiếu ánh sáng
Nhiều người thường đặt cây kim ngân ở nơi thiếu ánh sáng lầm tưởng nó ưa bóng râm. Thực chất loại cây này rất ưa sáng, cần nhiều ánh sáng để lá cây có thể thực hiện quá trình quang hợp. Nếu ở trong bóng râm một thời gian dài, cây dễ bị vàng lá, khô héo và cuối cùng là chết.
Cây ở trong bóng râm một thời gian dài dễ bị vàng lá, khô héo
Tuy nhiên, đặt cây kim ngân ngoài ra nắng khiến cây dễ bị héo và chết. Thích hợp nhất là để cây hứng ánh sáng tán xạ bằng cách đặt chúng gần ban công hoặc bậu cửa sổ hướng Nam.
4. Không bón phân cho cây
Nhiều người nghĩ rằng cây kim ngân phát triển chậm nên không bao giờ bón phân cho cây. Tuy nhiên, cây kim ngân lại rất ưa phân bón, thậm chí nhu cầu về phân bón còn lớn hơn so với những cây cảnh thông thường khác.
Cây kim ngân phát triển chậm do thiếu phân bón
Bạn có thể làm mùn lá bằng cách thu gom lá rụng và đem trộn với một ít đất vườn khi thay chậu. Đất màu mỡ sẽ rất tốt cho sự phát triển của cây.
Vào mùa xuân và mùa thu, bạn nên thường xuyên bón một số loại phân loãng cho cây 20 ngày/lần để đảm bảo rễ bén sâu và hút nhiều dưỡng chất, thân và lá phát triển tươi tốt.
Lưu ý: Khi bón phân cho cây kim ngân, cần tuân thủ 3 nguyên tắc: phân loãng, siêng bón, không bón quá nhiều.
5. Không thay chậu cho cây
Một số người cảm thấy phiền phức nên ít khi thay chậu khi chơi cây cảnh, tuy nhiên, việc này lại rất quan trọng cho sự phát triển của cây. Khi cây lớn nhanh, bộ rễ cần không gian để phát triển nên phải thay chậu hàng năm.
Khi thay chậu, bạn nên loại bỏ hết rễ chết và một phần đất cũ. Đất mới nên trộn thêm cát sông, mùn cưa, một ít bã đậu hoặc phân gà.
Khi thay chậu mới nên rải một lớp sỏi ở đáy chậu để lượng nước dư thừa chảy ra ngoài và ngăn tích tụ nước.