Vừa qua, một người phụ nữ ở thành phố Glasgow (Scotland) đã chia sẻ lên trang cá nhân Facebook về hình ảnh chiếc máy giặt đã bị hư hại nghiêm trọng và mặt bàn đá ở phía trên máy giặt bị vỡ tung từ vụ nổ. May mắn khi sự cố máy giặt phát nổ xảy ra, cô đã xử lý và không có thiệt hại về người.
Ở Việt Nam, một vụ cháy cũng đã xảy ra tại tòa nhà HH2C khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hàng trăm cư dân sinh sống trong tòa nhà đã phải tháo chạy bằng cầu thang thoát hiểm của tòa nhà và may mắn không có thiệt hại về người. Nguyên nhân vụ cháy về sau được xác định là do chập điện máy giặt.
Ảnh minh họa
PGS.TS Nguyễn Trường Luyện – nguyên cán bộ Viện Vật lý kĩ thuật (Đại học Bách Khoa, Hà Nội) cho rằng, để tạo ra máy giặt cần sự kết nối của nhiều bộ phận khác nhau. Giữa máy giặt cửa trên và cửa ngang có chút khác biệt trong cấu tạo nhưng cơ bản cần có một động cơ để quay trục quay trong hệ thống cho quần áo xoay tròn. Muốn chạy động cơ này phải có điện vào động cơ. Cùng với đó là bộ điều khiển động cơ máy giặt. Phần bảng mạch điện tử này có tác dụng điều khiển motor của máy giặt và cũng cần có điện vào.
Việc máy giặt bị chập điện ít thấy vì các nhà sản xuất đã nghiên cứu, tính toán kĩ trước những sự cố này nhưng nguy cơ cháy nổ máy giặt do chập điện vẫn có thể xảy ra. Nếu lắp đặt, sử dụng sai cách hoặc không sửa kịp thời các lỗi máy giặt làm đoản mạch, nguy cơ cháy nổ máy giặt dễ gặp phải.
Để dùng máy giặt an toàn, hạn chế rủi ro cháy nổ, chuyên gia khuyên mọi người cần lưu ý:
+ Lựa chọn vị trí đặt máy giặt an toàn
Không ít gia đình để máy giặt trong nhà tắm để tiện sử dụng. Độ ẩm trong nhà tắm cao dễ làm hoen rỉ các chi tiết máy, làm máy ẩm và ảnh hưởng động cơ bên trong máy giặt. Các bộ phận cách điện bên trong máy giặt ẩm thấp, điện bị rò rỉ dễ dẫn tới nguy cơ chập cháy, điện giật…
Vị trí đặt máy giặt phải là nơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát như tầng thượng, ban công. Máy cần đặt cách tường 10-15 cm, không dùng gỗ hay vật dụng gì khác kê vào những chỗ không cân bằng vì dễ gây ẩm mốc, rung lắc trong quá trình giặt. Việc kiểm tra máy thường xuyên xem có rò rỉ điện không là rất quan trọng để đảm bảo an toàn, tránh cháy nổ không mong muốn.
+ Tránh dùng quá tải
Mỗi loại máy giặt chỉ chứa được một lượng đồ nhất định. Tuy nhiên, vì tiết kiệm mà có một số người khi dùng máy giặt quen tay nhồi nhét số lượng lớn quần áo vào máy khiến máy giặt quá tải, trục xoay trong máy giặt mắc kẹt không quay được dễ gây cháy nổ.
+ Để máy được thoáng, khô ráo
Thường sau khi giặt xong, ít người quan tâm đến việc máy giặt có bị ẩm mốc hay không và vệ sinh máy. Sau khi máy giặt xong cần phải để hệ thống bên trong máy thoáng, khô. Lồng giặt không được khô ráo mà ẩm ướt, tích nước bên trong sẽ khiến các bộ phận máy bị ẩm, rất dễ gây ra chập điện.
+ Không dùng nhiều thiết bị cùng một đường dây tải
Tình trạng nhiều thiết bị điện máy, điện tử dùng chung một đường dây tải khá phổ biến ở nhiều gia đình. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ cháy nổ máy giặt và các thiết bị điện khác. Bởi dùng quá nhiều thiết bị trên một đường dây tải trong cùng một thời điểm làm cho phụ tải tiêu thụ lớn so với dòng điện định mức mà dẫn tới điện bị chập. Đây là nguyên nhân thường dẫn tới cháy nổ máy giặt.
Các gia đình nên lắp thêm một automat 2 pha khi lắp đặt để đến khi sử dụng chỉ cần ấn công tắc là có thể sử dụng. Ngoài ra, khi giặt xong cần chú ý rút ngay nguồn điện và thường xuyên bảo dưỡng máy định kỳ.