Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 14/2, Việt Nam đã ghi nhận 16 trường hợp dương tính với virus corona. Trong đó có các trường hợp nhiễm bệnh là những người trong cùng 1 gia đình.
Bệnh nhân nhiễm virus corona được nhân viên y tế chăm sóc, điều trị. (Ảnh: Tiền Phong)
Trước đó South China Morning Post đưa tin, 9 người trong cùng gia đình ở Hong Kong đã nhiễm corona sau khi cùng nhau ăn lẩu, nướng.
Hay như ghi nhận về trường hợp một gia đình ở Vũ Hán được đăng tải trên New York Time cùng nhiễm virus corona. Đầu tiên là người bà nội bị nhiễm phải virus corona sau đó lần lượt đến các thành viên trong gia đình là ông nội và các con cháu đều bị lây bệnh.
Phòng tiệc nơi có 9 người nhiễm virus corona mới là người trong cùng một gia đình ở khu Cửu Long, Hong Kong bị niêm phong - Ảnh: SCMP
Thông tin về những trường hợp "1 người nhiễm virus corona - cả nhà lây bệnh" khiến rất nhiều người hoang mang, lo lắng, nhiều người đặt câu hỏi về cơ chế lây lan của loại virus này và chúng ta cần phải làm gì khi trong nhà có người nghi nhiễm?
1. Cơ chế lây lan của virus corona như thế nào?
Theo Bộ Y tế, virus corona ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây truyền từ người sang người.
- Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
- Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.
*Tìm hiểu thêm các thông tin về việc phòng tránh virus corona tại đây.
Hình minh họa.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, dựa trên những cơ chế lây lan của virus corona mà Bộ Y tế đã ban hành thì việc cả gia đình có thể lây nhiễm virus từ nhau là điều hoàn toàn dễ hiểu, trong quá trình chung sống mọi người có thể tiếp xúc với giọt bắn của người bệnh bất cứ lúc nào mà không hề biết.
2. Cần làm gì khi phát hiện người thân đã dương tính hoặc nghi ngờ nhiễm virus corona?
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, khi người thân có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, trở về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc với người nhiễm virus corona thì chúng ta nên yêu cầu họ nên nhanh chóng tới cơ sở y tế để được cách ly và thực hiện xét nghiệm chẩn đoán virus corona. Ngoài ra, cần thông báo cho cơ quan chức năng, cơ sở y tế tại địa phương ngay lập tức.
Theo Bộ Y tế, 1 trong những đối tượng cần phải thực hiện cách ly tại nhà là những người: Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh. Chính vì thế, bản thân những thành viên trong gia đình cũng cần phải tự cách ly bản thân.
Cụ thể như sau:
- Thời gian cách ly y tế tại nhà tối đa là 14 ngày, tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh xác định, trường hợp bệnh nghi ngờ. Khi người nghi ngờ mắc bệnh được chẩn đoán loại trừ không mắc bệnh (có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19) thì những người được cách ly có liên quan sẽ kết thúc việc cách ly.
- Người cách ly phải chấp hành việc tự cách ly đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét.
- Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly.
- Người được cách ly cần tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày.
- Hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.
- Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân. Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.
- Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú. Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.
- Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các thành viên trong hộ gia đình, người làm việc, quản lý nơi lưu trú của người được cách ly cần hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc. Hàng ngày lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở gia đình, nơi lưu trú bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng hoặc chất tẩy rửa thông thường. Cần giúp đỡ, động viên, chia sẻ với người được cách ly trong suốt thời gian cách ly. Hỗ trợ phương tiện vệ sinh, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang cho người được cách ly, nếu có yêu cầu.
Các gia đình, nơi làm việc, cư trú có người bị cách ly tuyệt đối không tổ chức hoạt động đông người. Đồng thời, thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi khi người được cách ly có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.