Ông Vương, năm nay 50 tuổi (Trung Quốc), là 1 ông chủ nhỏ, có điều kiện về kinh tế. Từ khi bước sang tuổi trung niên, ông thường cảm thấy mệt mỏi khi làm việc, cơ thể không còn sung sức như trước, sức bền cũng giảm hẳn đi.
Gần đây khi đi khám sức khỏe, ngoài gan nhiễm mỡ ra thì mọi chỉ số khác của ông Vương đều bình thường, gia đình và bạn bè khuyên ông nên bổ sung thêm các loại vitamin, thuốc bổ để khỏe mạnh hơn.
Sau 1 thời gian đắn đo tìm hiểu, ông quyết định mua 1 loại vitamin tổng hợp nhập khẩu với giá khá cao để uống hàng ngày, nhưng vẫn chưa thấy có hiệu quả. Ông Vương cho rằng do mình đã có tuổi, sức khỏe đang yếu nên cần tăng liều lượng từ 1 lên 8 viên mỗi ngày.
Không ngờ, sau 1 tuần, tình trạng của ông không những không tốt lên mà còn ngày càng mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, chán ăn kèm theo màu nước tiểu bất thường, mắt và da đều vàng đi, gia đình nhanh chóng đưa ông đến bệnh viện.
Xét nghiệm chức năng gan chỉ ra nồng độ transaminase và bilirubin trong cơ thể ông rất cao, kết luận suy gan. Sau khi hỏi han, bác sĩ chẩn đoán gan của ông Vương bị tổn thương do dùng thuốc sai cách, phải lập tức điều trị nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Thật may mắn là ông Vương mới chỉ sử dụng loại vitamin kia chưa đến 10 ngày, đến bệnh viện kịp thời. Bác sĩ cảnh báo ngoài lạm dụng vitamin ra thì còn 3 cách tưởng dưỡng gan nhưng thật ra đang làm hại gan phổ biến sau:
1. Thuốc bắc tự chế
Không ít người hiểu lầm rằng các loại thuốc bắc có thành phần từ thiên nhiên nên nếu không chữa được bệnh thì cũng không gây hại gì. Đó là lý do mà nhiều người tự bốc thuốc theo lời truyền tai nhau hoặc mua phải các loại thuốc bắc giả được quảng cáo là bổ gan, bổ thận, điều hòa khí huyết… trên thị trường.
Nhiều thành phần trong thuốc bắc có độc tính nhất định nên khi kê đơn phải thêm các vị thuốc khác để trung hòa, đến tay người bệnh cần phải giải thích quá trình pha chế, lưu ý sử dụng cũng như các tác dụng phụ có thể gặp phải. Chính vì vậy, nếu có ý định bồi bổ cơ thể hoặc chữa bệnh bằng thuốc bắc, hãy đến gặp bác sĩ Đông y để được thăm khám theo đúng quy trình.
2. Rượu thuốc tự nấu
Ngoài thuốc bắc, rượu thuốc hoặc rượu ngâm xác động vật được dân gian truyền tai nhau là “bổ trong bổ ngoài”, chữa được rất nhiều loại bệnh tật mà Tây y cũng “bó tay”.
Biết rằng trên thị trường rất dễ gặp phải rượu thuốc giả, tự nấu hay tự ngâm sẽ đảm bảo vệ sinh hơn, nhưng nếu không đủ kiến thức thì lập tức bạn sẽ biến rượu thuốc thành rượu độc, gây nguy hiểm chết người.
Không phải vị thuốc Đông y hay loại động vật nào cũng có thể dùng để ngâm rượu, đặc biệt là các loại rắn. Trong quá trình ngâm cũng cần sơ chế đúng cách, loại bỏ độc tố, yêu cầu loại rượu ngâm, thời gian ngâm, quá trình bảo quản, lưu ý khi sử dụng...
3. Các loại thực phẩm chức năng
Giống như trường hợp của ông Vương, không ít người chấp nhận bỏ tiền để mua nhiều loại vitamin, thực phẩm chức năng, thuốc bổ để bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật nhưng cuối cùng lại “tiền mất, tật mang”, gây gánh nặng cho các cơ quan nội tạng, làm tổn thương gan.
Vitamin hay thuốc bổ, thực phẩm chức năng hoàn toàn không phải là thuốc, khi có bệnh cần chú trọng điều trị hơn là bồi bổ. Khi muốn bổ sung các chất và tăng sức đề kháng, bạn cũng cần phải nghe ý kiến từ chuyên gia, tuân thủ hướng dẫn sử dụng và không dùng cùng lúc nhiều loại nếu không có kiến thức về y học.
Nguồn và ảnh: Sohu, Eat This, Healthline