Bác sĩ Hoàng Công Tình - Phó khoa Hồi sức tích cực, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, đêm 20/1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình tiếp nhận 7 bệnh nhân từ tuyến huyện chuyển đến trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn món ăn chế biến từ trứng cóc. Một bệnh nhân 37 tuổi khi đưa đến Trung tâm y tế huyện được xác định đã tử vong nên gia đình đưa xác về nhà lo hậu sự.
7 bệnh nhân từ tuyến huyện chuyển đến trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn món ăn chế biến từ trứng cóc.
Trước đó, một gia đình có 9 thành viên đã chế biến bọc trứng cóc nấu với gừng để làm thức ăn. 8 người ăn đều có dấu hiện nôn mửa, đau bụng, hoa mắt, chóng mặt và sau đó là khó thở, được người thân đưa nhập Trung tâm y tế huyện, trong đó một người ăn nhiều nhất đã tử vong. Một cụ ông không ăn món chế biến từ trứng cóc nên không bị ảnh hưởng sức khoẻ.
Khi nhập Bệnh viện đa khoa tỉnh, bảy bệnh nhân vẫn liên tục nôn mửa, đau bụng, chóng mặt, khó thở, một số có biểu hiện co giật, ảo giác.
Khoa Cấp cứu đã huy động tối đa nhân lực đến hỗ trợ cho kíp trực, khoa Hồi sức tích cũng đã huy động 1 kíp trực thường trú đến hỗ trợ khoa Cấp cứu. Các bệnh nhân nhanh chóng được bơm rửa dạ dày để loại bỏ chất độc ra khỏi dạ dày, dùng các chất tẩy rửa đường tiêu hoá để loại bỏ chất độc ra khỏi đường ruột và các thuốc để điểu chỉnh các rối loạn khác. Hiện tại, bảy bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang phải điều trị và chăm sóc đặc biệt.
Người dân không nên chế biến món ăn từ cóc vì sự nguy hiểm của các chất độc có trong một số bộ phận trên cơ thể cóc. Trên da, tổ chức dưới da, trứng, gan, ruột của cóc rất độc do có chứa nọc độc (bufotoxin) gồm nhiều độc tố nguy hiểm, như: bufotalin, bufotonin, bufotenin, chúng có tác dụng gây rối loạn nhịp tim nặng, ngừng tim và ức chế hô hấp dẫn đến tử vong nhanh.
Người dân không nên chế biến món ăn từ cóc vì sự nguy hiểm của các chất độc có trong một số bộ phận trên cơ thể cóc
BS khuyến cáo mọi người không nên dùng thịt cóc, trứng cóc làm thực phẩm. Nếu thật sự muốn dùng thịt cóc: Chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành (có thương hiệu, tem, nhãn mác, còn date…)
Hạn chế không tự bắt cóc để chế biến thức ăn, nếu biết cách chế biến cũng phải cực kỳ cẩn thận: Không dùng cóc tía (cóc có mắt màu đỏ), làm thịt cóc theo đúng quy trình: Cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa thịt cóc sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch, chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm.
Về việc dùng thịt cóc như một món ăn bổ dưỡng, bác sĩ khuyến cáo không nên mạo hiểm cho con ăn với mong muốn chữa bệnh còi xương hay chán ăn… vitamin D và canxi trong thịt cóc rất ít, không thể chống còi xương ở trẻ.