Những ngày này, người người nhà nhà đều "chạy xô" với lịch trình Tất niên kín mít. Tất niên cũng là một dịp để quây quần hội tụ bên người thân và bạn bè để ôn lại kỷ niệm trước khi bước sang năm mới. Do đó, lẩu trở thành một món ăn quen thuộc thường được lựa chọn hàng đầu trong những bữa tiệc Tất niên.
Thế nhưng, ngày nào cũng ăn lẩu với lịch Tất niên kín mít có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng. Bởi vốn dĩ, lẩu thường nóng và rất cay nên dễ gây kích thích dạ dày, làm nóng gan, nổi mụn... Ngoài ra, sự hòa trộn giữa nhiều loại nguyên liệu trong nồi lẩu cũng không hề tốt sức khỏe hệ tiêu hóa. Hậu quả là Tết chưa đến mà mụn đã thi nhau mọc ầm ầm trên mặt, rồi bụng dạ cũng ì ạch, khó chịu hơn.
Nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, hãy lưu ngay một số tips cần nhớ khi ăn lẩu để tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể nhé!
Ăn lót dạ trước với hoa quả
Bạn sẽ không ngờ rằng, việc nhâm nhi một chút hoa quả hay uống một ly sinh tố lót dạ trước khi vào bàn lẩu có thể giúp giải nhiệt và hạn chế cảm giác cay nóng khi ăn. Thêm nữa, hành động này còn giúp dạ dày không bị quá tải và gây đầy bụng sau bữa ăn.
Hạn chế ăn đồ tái
Khi nhúng đồ tái như thịt bò, thịt gà, tôm, mực... vào nồi lẩu, bạn cần đợi chúng chín hẳn rồi mới ăn chứ không nên ăn khi phần thịt vẫn còn đỏ. Nếu cố tình ăn đồ chưa chín hẳn thì rất nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng sẽ có cơ hội xâm nhập vào dạ dày, làm tổn thương hệ tiêu hóa. Vì vậy, bạn cần cố gắng hạn chế ăn đồ tái ít nhất có thể và tốt nhất thì vẫn nên ăn đồ đã được làm chín.
Đợi đồ nhúng nguội bớt rồi mới ăn
Khi ăn lẩu, nhiệt độ từ bếp rất nóng nên nếu không thổi cho nguội bớt, bạn hoàn toàn có thể gặp những tổn thương ở khoang miệng, niêm mạc dạ dày và thực quản. Bên cạnh đó, một số loại gia vị cho thêm vào cũng có thể gây viêm loét đường tiêu hóa, sung huyết, sưng phồng và kéo theo nhiều bệnh khác.
Cách để ăn lẩu an toàn nhất là gắp đồ nhúng chín ra đĩa hoặc bát trước, để nguội bớt rồi mới ăn.
Ăn nhiều rau củ nhúng lẩu
Để tránh bị nóng trong khi ăn lẩu, bạn nên tăng cường ăn các loại rau củ nhúng lẩu. Hành động này vừa giúp giải nhiệt, giải độc lại làm dịu nhẹ vùng bụng, hạn chế nguy cơ táo bón, đầy bụng.
Một số loại rau quen thuộc thường có trong nồi lẩu là rau muống, cải thảo, rau cần, cải cúc... Hãy cố gắng ăn càng nhiều càng tốt bạn nhé!
Thay nước lẩu nếu ăn lâu
Chúng ta thường nghĩ rằng, ăn nước lẩu càng lâu sẽ càng ra nước ngon vì đồ chất từ rau thịt cô đọng lại, nhưng thực tế thì không phải. Khi nồi lẩu đun lâu, các vitamin cùng nhiều chất dinh dưỡng sẽ bị phá hủy. Trong khi đó, lượng chất béo bão hóa, natri, purine và các thành phần gây hại lại tăng cao. Hậu quả là nó sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, xơ vữa động mạch, gút, tiểu đường và một số căn bệnh nguy hiểm khác.
Do đó, chúng ta chỉ nên uống nước lẩu khi mới nấu. Đặc biệt, sau 60 phút, lượng nitrit trong nồi lẩu sẽ tăng cao và gây hại nên hãy đi thay nước lẩu mới để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Uống trà, ăn sữa chua sau khi ăn lẩu
Trà có tác dụng thanh nhiệt rất hiệu quả nên bạn có thể sử dụng các loại trà như trà atiso, trà cỏ ngọt, trà tâm sen, trà xanh… sau khi ăn lẩu. Các loại trà này đều có tác dụng thanh lọc cơ thể, lợi tiểu, chống độc, không những thế còn giúp an thần, bổ gan, lọc máu, làm đẹp da…
Ngoài trà xanh, bạn có thể tìm đến cả sữa chua sau khi ăn lẩu. Trong sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn lên men, có tác dụng chống lại sự phát triển của các vi khuẩn, phòng chống đau bụng, tiêu chảy. Việc ăn sữa chua sau khi ăn lẩu giúp làm mát, hạn chế nóng trong người và nổi mụn, từ đó cải thiện hệ tiêu hoá diễn ra trơn tru, nhanh chóng hơn, giảm cảm giác khó chịu sau khi ăn lẩu.
Nhưng cần nhớ sau khi ăn lẩu khoảng 30 phút mới ăn sữa chua bạn nhé!
Source (Nguồn tham khảo): Health, Sohu, QQ