Ảnh: Sciencenorway
Globocan (Tổ chức Ung thư toàn cầu) vừa công bố đầu tháng ba năm nay trên toàn thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mới và 9,7 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam có khoảng 180.400 ca mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Tỉ lệ mắc mới ung thư trong nước ở nhóm trung bình của thế giới, nhưng tỉ lệ tử vong lại thuộc nhóm cao trong khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân tử vong cao vì phát hiện bệnh quá trễ. 50-80% người bệnh mắc bệnh ung thư đến khám ở giai đoạn 3 và 4.
Ngoài yếu tố di truyền và môi trường, thói quen sinh hoạt, ăn uống là "thủ phạm" gây ung thư. Dựa trên dữ liệu khảo sát từ Trung tâm Đăng ký Ung thư Quốc gia, Bệnh viện Ung thư thuộc Viện Khoa học Y tế Trung Quốc đã đưa ra danh sách các loại thực phẩm gây ung thư, bao gồm thực phẩm ngâm chua, hun khói, đồ nướng, thực phẩm bị mốc, bát đĩa để qua đêm, nước đun sôi nhiều lần...
1. Thực phẩm muối chua
Một số thực phẩm lên men chứa lượng lớn men vi sinh và có thể tăng cường sức khỏe đường ruột khi ăn ở mức độ vừa phải, nhưng khi mua hoặc tự làm thực phẩm lên men, bạn nên chú ý hoặc hạn chế tối đa sử dụng muối, đường, các loại gia vị khác. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thực phẩm lên men thường chứa nhiều muối và ăn quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Robert Segal, người sáng lập Văn phòng Y tế Manhattan, Mỹ, cho biết người châu Á ăn nhiều kim chi và cá hun khói có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày.
2. Đồ nướng
Đồ nướng như thịt bò nướng, vịt quay, thịt cừu nướng, ngỗng quay, heo sữa quay đều là thực phẩm không nên ăn quá nhiều. Lý do bởi thức ăn được nướng ở nhiệt độ từ 200 độ C trở lên có thể sản sinh ra hợp chất gây ung thư PAHs - Hydrocarbon thơm đa vòng. Ngoài ra, một nghiên cứu dịch tễ học của Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) cho thấy ăn nhiều thịt có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư. Đặc biệt, thịt nướng sinh ra nhiều chất gây ung thư hơn các thực phẩm nướng khác (như bánh mì nướng, rau củ nướng).
Một số chuyên gia gợi ý bạn bọc thực phẩm trong giấy thiếc trước khi nướng để giảm nguy cơ tiếp xúc giữa thực phẩm với lửa than, đồng thời không ăn những phần bị cháy.
3. Thịt chế biến sẵn
Thịt lợn khô, giăm bông, xúc xích, thịt xông khói, xúc xích đều là thịt chế biến sẵn. Trong quá trình sản xuất thịt chế biến, các hóa chất bảo quản được thêm vào, chẳng hạn như nitrat và nitrit, có thể chuyển hóa thành hợp chất N-nitroso trong ruột, lâu dài gây ung thư.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố, tiêu thụ 50 g thịt chế biến sẵn mỗi ngày (tương đương hai lát giăm bông hoặc 1,5 chiếc xúc xích) làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng lên 18%. Ngoài ra, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã xếp thịt chế biến sẵn vào danh mục gây ung thư cho con người (Nhóm 1).
4. Thực phẩm chiên chứa chất gây ung thư hydrocarbon thơm đa vòng
Khi thực phẩm được chiên quá kỹ sẽ sản sinh ra các hydrocacbon thơm đa vòng, là chất gây ung thư. Cơ quan Lương thực Quốc gia Thụy Điển phát hiện ra rằng hàm lượng acrylamide trong một số thực phẩm giàu carbohydrate nhưng ít protein như khoai tây và ngũ cốc sẽ tăng lên rất nhiều sau khi nướng, chiên ở nhiệt độ cao. Cụ thể hơn, khoai tây chiên chứa từ 160 đến 3.000 microgram chất gây ung thư acrylamide trên mỗi kg. Acrylamide chỉ được tạo ra trong quá trình chế biến khi nhiệt độ đạt từ 120 độ C trở lên.
5. Thực phẩm bị mốc chứa chất aflatoxin gây ung thư
Ảnh: Eat this, not that
Gạo, lúa mì, đậu, ngô, trái cây và đậu phộng dễ bị ẩm và nấm mốc. Khi có mốc, chúng đều không thể ăn được vì có chứa aflatoxin (độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài Aspergillus, là một loại nấm mốc, tác nhân gây ung thư). Dù bạn dùng dao hoặc bỏ những phần bị mốc, thực phẩm vẫn không thể ăn vì đã nhiễm độc.
6. Bắp cải nấu qua đêm
Nấu bắp cải qua đêm và đun sôi nhiều lần sẽ tạo ra nitrit, chất này sẽ chuyển hóa thành amin nitrit gây ung thư trong cơ thể.
7. Thịt đỏ
Mặc dù thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn, thịt cừu) rất giàu protein và sắt, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn quá nhiều thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ, ăn hơn 18 ounce thịt đỏ mỗi tuần sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, một đơn vị trực thuộc WHO, đã phân loại thịt đỏ có thể gây ung thư cho con người" (nhóm 2A). Cơ quan này khuyến cáo mọi người nên ăn thịt trắng và thực phẩm từ đậu nành để bổ sung protein thay thế.
8. Bắp rang bơ bằng lò vi sóng
Bỏng ngô ăn liền làm bằng lò vi sóng có thể gây ung thư vì túi đóng gói có chứa lớp phủ perfluorooctanoate (PFOA). Lúc này các chất gây ung thư có thể được giải phóng, làm tăng nguy cơ ung thư gan, ung thư tinh hoàn và ung thư tuyến tụy.
9. Đồ uống nhiều đường
Thực phẩm và đồ uống quá ngọt có thể dẫn đến tăng cân, thừa cân và tăng nguy cơ ung thư. Khi có nhiều mỡ trong cơ thể, nồng độ estrogen tăng, kéo theo nguy cơ ung thư vú. Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard, những người uống hai hoặc nhiều đồ uống có lượng đường cao mỗi ngày đối diện nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh tim và các bệnh khác cao hơn, nguy cơ tử vong ở phụ nữ tăng hơn 60%.
10. Đồ uống có nhiệt độ cao
Nhiều người có thói quen uống cà phê, trà khi còn nóng. Nghiên cứu chỉ ra nếu thường xuyên uống đồ có nhiệt độ cao hơn 65 độ C sẽ gây tổn thương mô thực quản và làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, đơn vị trực thuộc WHO, đã phân loại đồ uống có nhiệt độ trên 65 độ C "có thể gây ung thư cho con người" (nhóm 2A).
11. Đồ hộp
Lớp bên trong của thực phẩm đóng hộp được phủ nhựa chống gỉ Bisphenol A (BPA). Tiêu thụ thường xuyên thực phẩm đóng hộp có thể gây rối loạn nội tiết và các vấn đề khác, làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra, thực phẩm đóng hộp thường chứa một lượng lớn chất phụ gia hóa học nên tránh sử dụng càng nhiều càng tốt.