Không nghĩ bệnh đến sớm vậy
27 tuổi và được bác sĩ chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2, Hải Anh (tên nhân vật đã thay đổi) đã rất sốc. Hải Anh trước đây, vẫn nghĩ căn bệnh này thường chỉ mắc ở người già và khó có thể rơi vào người trẻ như cậu.
Hải Anh sinh ra trong gia đình con một nên được bố mẹ chăm sóc chu đáo. Từ nhỏ, bố mẹ sợ Hải Anh gầy gò sẽ dễ ốm nên luôn cho cậu ăn nhiều đồ ngon, đồ bổ.
Theo Hải Anh, từ nhỏ cậu đã bị thừa cân. Khi lớn hơn thì Hải Anh thường đi ăn ngoài cùng bạn, uống nước ngọt khá nhiều.
"Em cũng giống như các bạn trẻ khác thích ăn đồ ăn nhanh, đồ nướng, gà rán…", Hải Anh nói.
Với cách ăn "nuông chiều" vị giác, cộng thêm tính chất công việc chỉ ngồi văn phòng nên Hải Anh cũng không vận động thể dục thể thao. Đây là hai yếu tố khiến Hải Anh khó kiểm soát cân nặng của mình. Thời điểm trước khi vào viện, cân nặng của Hải Anh đã chạm mốc 95kg.
Bác sĩ Mỹ Hạnh đang tư vấn cho bệnh nhân (ảnh N.M)
Trước đó, sức khoẻ vẫn rất bình thường nên Hải Anh cũng không nghĩ bản thân sẽ mắc bệnh.
"Tình cờ một hôm em thấy mình đi tiểu nhiều lần trong ngày. Vài ngày sau, em tiếp tục bị phát ban, ngứa khắp người nên đã đi khám da liễu. Bác sĩ nói chỉ số đường huyết của em cao quá nên đã giới thiệu em sang bệnh viện nội tiết khám", Hải Anh cho hay.
Khi tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chỉ số đường huyết của Hải Anh ở mức rất cao nên đã được bác sĩ cho nhập viện. Khi được bác sĩ chẩn đoán mắc đái tháo đường, Hải Anh đã rất "sốc" vì không nghĩ bản thân lại mắc bệnh sớm đến vậy.
Nằm điều trị tại bệnh viện 2 tuần, Hải Anh đã chứng kiến không ít hình ảnh bệnh nhân mắc đái tháo đường gặp biến chứng phải tháo khớp, đoạn chi, suy thận mạn, biến chứng tim mạch…
"Em thấy sợ lắm, cũng thấy ân hận vì ngày xưa ăn uống không tiết chế. Vào viện nhiều bác bệnh nhân nằm viện cũng khuyên em: Cháu còn trẻ, cơ thể còn tái tạo được thì phải rèn luyện, tuân thủ điều trị đừng để gặp biến chứng. Qua trường hợp của em cũng muốn khuyên các bạn trẻ nên hạn chế ăn đồ ăn sẵn, đồ nướng, đồ ăn chiên rán và cần phải chăm tập thể dục hơn", Hải Anh nhắn nhủ.
Sau hơn 1 tháng điều trị, dùng thuốc và giảm cân, hiện tại cân nặng của Hải Anh đã hạ xuống 88kg.
Gia tăng mắc đái tháo đường ở người trẻ
BS Lâm Mỹ Hạnh, Phó khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, đái tháo đường type 2 trước đây thường được biết đến là căn bệnh hay gặp ở người lớn tuổi.
Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của xã hội, tỷ lệ mắc đái tháo đường type 2 ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi mắc đái tháo đường chiếm khoảng từ 20-30% trong tổng số các bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện. Độ tuổi mắc đái tháo đường type 2 thường gặp ở trong khoảng từ 20-25 tuổi.
Bác sĩ Lâm Mỹ Hạnh (ảnh N.M)
Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường type 2 ở người trẻ thường là:
- Có thể trạng thừa cân, béo phì;
- Có yếu tố gia đình, có thành viên trong nhà như bố, mẹ, anh em mắc đái tháo đường;
- Có lối sống tĩnh tại, lười vận động và ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, giàu năng lượng;
- Đối với nữ giới trẻ tuổi, nếu mắc hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây ra tình trạng kháng insulin, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.
"Ăn uống thiếu tiết chế dẫn tới thừa cân béo phì và lối sống tĩnh tại là 2 yếu tố nguy cơ khiến cho người trẻ tiến gần đến căn bệnh đái tháo đường", bác sĩ Mỹ Hạnh nhắn nhủ.
Các triệu chứng điển hình khi mắc đái tháo đường
- Đi tiểu thường xuyên.
- Luôn cảm thấy khát.
- Cảm thấy đói - ngay cả khi vừa ăn no.
- Thường xuyên mệt mỏi.
- Nhìn mờ.
- Chậm lành các vết thương hoặc vết loét:
- Ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay.
Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới đã đưa ra 9 khuyến nghị về chế độ ăn uống lành mạnh để giúp mọi người phòng ngừa đái tháo đường type 2.
- Chọn nước lọc, cà phê hoặc trà thay vì chọn nước ép trái cây có đường, nước ngọt, hoặc đồ uống có đường khác.
- Ăn ít nhất 3 suất rau mỗi ngày, kể cả rau xanh lá.
- Ăn tối đa 3 suất trái cây tươi mỗi ngày.
- Ăn trái cây tươi, hoặc sữa chua không đường cho bữa ăn nhẹ.
- Hạn chế đồ uống có cồn.
- Chọn thịt nạc trắng, thịt gia cầm hoặc hải sản thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn.
- Chọn bơ đậu phộng thay vì sô cô la hoặc mứt.
- Chọn bánh mì, gạo hoặc mì ống nguyên cám thay vì bánh mì trắng, gạo hoặc mì ống.
- Chọn chất béo không no (dầu ô liu, dầu canola, dầu ngô, hoặc dầu hướng dương) thay vì chất béo bão hòa (bơ, chất béo động vật, dầu dừa hoặc dầu cọ).