Người bệnh tiểu đường tập thể dục có lợi ích gì?
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC), nếu người bệnh tiểu đường, tích cực tập thể dục sẽ khiến cơ thể bạn nhạy cảm hơn với insulin, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tổn thương thần kinh.
Ngoài ra theo trang Diabetes UK, khi vận động tích cực còn giúp những người bệnh tiểu đường loại 2 cải thiện HbA1c của họ.
Luyện tập thể dục, thể thao còn có thể giúp những người mắc tiểu đường quản lí được huyết áp của mình, giảm nguy cơ bị biến chứng tiểu đường.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó tích cực tập thể dục còn giúp cải thiện cholesterol (mỡ trong máu) để giúp bảo vệ chống lại các vấn đề như bệnh tim, giúp bạn giảm cân nếu cần và giữ nguyên cân nặng sau khi bạn đã giảm cân.
Người bệnh còn có thể giải phóng endorphin, thứ mà bạn có thể coi là hormone hạnh phúc. Hoạt động tích cực được chứng minh là làm giảm mức độ căng thẳng và cải thiện tâm trạng thấp.
Thời điểm an toàn nhất người bệnh tiểu đường nên tập thể dục
Theo Harvard Health Publishing, thời gian tốt nhất để tập thể dục là một đến ba giờ sau khi ăn, khi lượng đường trong máu của bạn có thể cao hơn.
Nếu bạn sử dụng insulin, điều quan trọng là phải kiểm tra lượng đường trong máu trước khi tập thể dục. Nếu mức trước khi tập thể dục dưới 100 mg/dL, ăn một miếng trái cây hoặc ăn nhẹ sẽ tăng cường và giúp bạn tránh hạ đường huyết.
Kiểm tra lại sau 30 phút tập thể dục sẽ cho biết lượng đường trong máu của bạn có ổn định hay không. Bạn cũng nên kiểm tra lượng đường trong máu sau hoạt động hoặc tập luyện đặc biệt mệt mỏi.
Nếu bạn đang dùng insulin, nguy cơ hạ đường huyết của bạn có thể cao nhất từ 6 đến 12 giờ sau khi tập thể dục.
Các chuyên gia cảnh báo không nên tập thể dục nếu lượng đường trong máu của bạn quá cao (trên 250), bởi vì tập thể dục đôi khi có thể làm tăng lượng đường trong máu cao hơn nữa.
3 bài tập thể dục phù hợp cho người bệnh tiểu đường
Tiến sĩ - bác sĩ Mickey Mehta, chuyên gia sức khỏe toàn diện ở Ấn Độ, chỉ ra một số bài tập có thể làm giảm lượng đường trong máu hiệu quả và nhanh chóng.
Đi bộ
Đi bộ luôn là một trong những bài tập tốt nhất cho mọi người, đặc biệt là người cao tuổi. Nó giúp người bệnh tiểu đường lưu thông máu tốt hơn, tăng cường các nhóm cơ quan trọng và giảm lượng đường trong máu. Có thể bắt đầu bằng cách đi bộ nhanh trong 20 - 30 phút mỗi ngày.
Đạp xe
Khi cơ thể khỏe hơn, bạn có thể tăng cường độ lên một chút, tiến đến đạp xe, đây được xem là bài tập tốt nhất để giảm nhanh mức đường huyết. Các nghiên cứu đã chỉ ra đạp xe với tốc độ vừa phải trong 1 giờ giúp người thừa cân mắc bệnh tiểu đường giảm một nửa lượng đường trong máu trong vòng 24 giờ. Đạp xe nhanh chỉ trong nửa giờ cũng có thể giảm đường huyết trong cả ngày và còn giúp giảm cân.
Ảnh minh họa
Tập squat
Tập squat giúp đốt cháy calo, tăng khối lượng cơ bắp, cải thiện quá trình trao đổi chất hằng ngày, đặc biệt là chuyển hóa lượng đường trong máu.
Có thể bắt đầu bằng các bài squat hoặc nâng chân trong thời gian ngắn. Đây là những bài tập hoàn hảo để giảm lượng đường trong máu, vì tác động lên nhiều nhóm cơ cùng lúc, giúp đốt cháy nhiều calo hơn. Chúng tăng cường độ nhạy insulin và khối lượng cơ, theo thời gian giúp cải thiện việc điều chỉnh lượng đường trong máu.
Người bệnh tiểu đường khi tập thể dục, thể thao cần lưu lý
Người bệnh cần vạch ra mục tiêu luyện tập cụ thể và quyết tâm đạt được. Trong những buổi tập đầu, bạn nên xét nghiệm mức đường trong máu vào thời điểm trước, trong và sau khi tập. Người đang dùng insulin hay thuốc viên trị tiểu đường cũng luôn mang theo kẹo ngọt bên mình phòng khi mức đường trong máu xuống quá thấp có thể sử dụng; mang giày, vớ vừa vặn.
Người bệnh nên bắt đầu tập luyện theo cách chậm rãi và tăng dần mức độ và thời gian tập. Duy trì thời gian và ngày tập cố định. Ngừng tập nếu cơ thể không khỏe. Uống đủ nước để tránh mất nước (cơ thể cần nhiều nước hơn bình thường trong khi tập), nên có khoảng nghỉ ngắn nếu buổi tập kéo dài.