Thời tiết nắng nóng, nhiều người có thói quen đun đỗ đen dùng thay nước uống hằng ngày. Theo sách dinh dưỡng, đậu đen chứa hàm lượng cao glucid 53,3%, protein 24,4%, lipid 1,7% và rất nhiều axit amin thiết yếu đem lại nhiều tác dụng như bổ thận, bổ máu, điều trị thận yếu, mặt sưng phù, phong thấp tê liệt, thấp khớp hoặc bệnh lở loét…
Đỗ đen tốt cho sức khỏe và làm đẹp da. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, rất nhiều phụ nữ xem đậu đen là một bí quyết để chăm sóc da bởi trong đậu đen rang có chứa nhiều khoáng chất, vitamin cùng 10 loại axit amin quan trọng giúp duy trì sức khỏe dẻo dai cũng như cải thiện và trẻ hóa làn da, cho da dẻ mịn màng tươi trẻ. Ngoài ra, chất Polyphenol trong đậu đen còn là hợp chất được biết đến với tác dụng chống lão hóa cao.
Theo như các tài liệu, chưa thấy ghi nhận nào cho thấy ăn nhiều đậu đen sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, việc dùng nước đỗ đen uống thay nước lọc sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của các chất trong cơ thể, vì vậy tuyệt đối không dùng nước đỗ đen thay nước lọc hàng ngày.
Nước đỗ đen uống thế nào cho đúng cách?
Đỗ đen được rang chín vừa tiện lợi vừa tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, đỗ đen được rang chín vừa tiện lợi vừa tốt cho sức khỏe. Nhưng cũng chỉ nên uống khoảng 200ml - 250 ml tương đương với một cốc nước thủy tinh trong ngày.
Đối với trường hợp như đang điều trị tiểu đường, giải nhiệt chỉ nên uống mức từ mức 200ml/ ngày rồi tăng dần đến mức cao nhất, tương đương 30-40% lượng nước nạp vào cơ thể hàng ngày.
Với người bình thường, mỗi ngày uống 1 cốc nước đỗ đen (200ml) có pha mật ong vào buổi sáng sớm sẽ vô cùng tốt cho sức khỏe.
Chú ý với trẻ em dưới 6 tuổi thì giảm lượng so với người lớn, trên 6 tuổi thì dùng được như mức với người lớn, trẻ dưới 1 tuổi thì không nên uống.
3 lưu ý cần tránh khi uống nước đậu đen rang
Ảnh minh họa
Không dùng chung với thuốc
Đậu đen vốn là loại hạt có tính năng giải độc bởi trong đậu đen có chứa các chất như protein, phốt pho hữu cơ, các kim loại nặng có thể kết hợp thành chất kết tủa. Vì vậy nếu người đang trong quá trình dùng thuốc mà uống nước đậu đen thì nước đậu đen sẽ phản ứng với các thành phần có liên quan trong thuốc, từ đó làm cho thuốc không thể phát huy hiệu quả như mong muốn. Nếu vẫn muốn uống đỗ đen trong giai đoạn này thì cần chờ sau 4 giờ dùng thuốc.
Không nên cho thêm đường
Nước đậu đen rang, không cho đường là tốt nhất. Còn với những người phải lao động nặng, khi uống nên cho một chút muối để tăng cường yếu tố điện giải cho cơ thể. Ngoài ra, không nên kết hợp đậu đen với rau bina, sữa, dầu thầu dầu, ngũ sâm…
Phụ huynh cần tránh cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi dùng nước đậu đen. Trẻ trên 1 tuổi sử dụng ở mức vừa phải.
Hạn chế với người già và trẻ nhỏ
Hàm lượng protein trong đỗ đen rất cao khiến cho người già, trẻ em hay người có thể trạng yếu, khó tiêu thụ hết lượng protein trong đậu đen, vì vậy khi uống nước đậu đen dễ gây ra vấn đề về tiêu hóa, đầy bụng, đau bụng.
Trong đậu đen còn chứa nhiều Phytat, chất này gây cản trở cho việc hấp thu của các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, phốt pho… dẫn tới thiếu máu, loãng xương vì vậy trẻ em và người già cũng được khuyên là không nên dùng.
Lưu ý: Những người có cơ địa hàn, người bị loét tá tràng, dễ tiêu chảy, tiêu chảy mạn, chân tay lạnh và sợ lạnh... nên hạn chế vì nếu ăn nhiều đậu đen sẽ càng làm cho bệnh nặng hơn.