Lối sống hiện đại của người trẻ thời nay thường chịu nhiều áp lực tương đối cao. Họ thậm chí còn không có thời gian ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ. Chính những điều này vô tình gây ảnh hưởng đến dạ dày theo thời gian.
Nhiều người nói bệnh dạ dày nếu không được phát hiện và chữa trị sớm thì rất dễ tiến triển thành ung thư dạ dày. Vậy làm thế nào để xác định nguy cơ mắc bệnh dạ dày từ sớm?
Có 3 hiện tượng xuất hiện thường xuyên sau bữa ăn ngầm cảnh báo dạ dày đang gặp vấn đề, biết sớm để tránh cũng chưa muộn bạn nhé!
1. Cứ ăn xong là bị tiêu chảy
Với những người khỏe mạnh, thời gian để tiêu hóa thức ăn sẽ rơi vào khoảng từ 4 - 6 giờ sau bữa ăn. Nhưng nếu bạn vừa ăn xong mà đã cảm thấy khó chịu ở bụng và chỉ muốn vào nhà vệ sinh để đi nặng ngay thì cần chú ý quan sát.
Hiện tượng tiêu chảy hoặc phân có mùi lạ, lẫn máu sau khi ăn uống có thể là do dạ dày của bạn đang bị tổn thương. Ngoài bị tiêu chảy, dấu hiệu đi ngoài ra phân đen cũng có thể ngầm cảnh báo nguy cơ bị viêm loét dạ dày. Theo thời gian, tình trạng bệnh này kéo dài có thể chuyển hóa thành ung thư dạ dày.
2. Buồn nôn và nôn
Trên thực tế, ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày, nhiều người gặp phải tình trạng buồn nôn và nôn rất thường xuyên. Đây là lúc dạ dày bị kích thích và tổn thương bên trong nên không thể chuyển hóa thức ăn được. Tuy nhiên, nhiều người lại khá chủ quan và bỏ qua dấu hiệu này. Trong khi đó, việc phát hiện bệnh từ sớm có thể làm tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh nhanh hơn.
3. Khó tiêu
Một trong những triệu chứng rõ ràng hơn sau khi ăn xong có thể ngầm cảnh báo bệnh dạ dày, đó chính là tình trạng ợ chua, khó tiêu xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân có thể là do axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản, từ đó khiến cơ thể có cảm giác khó tiêu, đầy hơi. Nếu bạn thường xuyên có cảm giác này sau bữa ăn thì nên chủ động tới bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.
Cách phòng ngừa ung thư dạ dày từ sớm
- Hạn chế ăn đồ ăn mặn: Bởi chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp, khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất cực độc gây ung thư.
- Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên: Qua chế biến thì các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích: Sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư chứ không chỉ riêng ung thư dạ dày.
- Bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý: Ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E.
- Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.
Đặc biệt đừng quên khám tầm soát ung thư dạ dày hàng năm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Nguồn và ảnh: Sohu