Sáng 18/3, Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp thông tin về trường hợp một bệnh nhi (9 tháng tuổi ở tỉnh Bắc Giang) được chữa bỏng bằng bài thuốc lá của một thầy lang, sau đó đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn nặng.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu chẳng may bị bỏng, tuyệt đối không nên tự ý điều trị cho con bằng các loại thuốc lá, các loại cây không rõ nguồn gốc.
Được biết, bệnh nhân bị bỏng nước sôi ở vị trí đùi và cẳng chân, được gia đình đưa đi đắp thuốc của một bà lang gần nhà. 4 ngày sau đó, trẻ sốt cao, nổi ban, được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang, sau đó chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng toàn thân tím tái, ngừng tim. Mặc dù được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu nhưng bệnh nhi không qua khỏi.
Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã nhiều lần cảnh báo những nguy hiểm tiềm ẩn do đắp lá thuốc điều trị bỏng, nhưng vẫn cón quá nhiều người tin tưởng vào tác dụng kỳ diệu của phương pháp này.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu chẳng may bị bỏng, tuyệt đối không nên tự ý điều trị cho con bằng các loại thuốc lá, các loại cây không rõ nguồn gốc. Việc làm trước tiên là cần cho bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.
4 sai lầm nhất định phải tránh khi sơ cứu bỏng
Sơ cứu bỏng đúng cách theo khuyến cáo của chuyên gia là cần cho bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.
- Không sử dụng nước đá lạnh vì đây là lỗi sai phổ biến mà mọi người cần lưu ý để không mắc phải. Bởi khi chườm đá, nhiệt độ thấp khiến thân nhiệt bị giảm dẫn đến tình trạng mạch máu bị co lại khiến vết bỏng nghiêm trọng hơn.
- Không bôi những loại truyền miệng như nước mắm, củ chuối... Đây là những điều phản khoa học và không nên thực hiện theo, chúng chỉ khiến vết bỏng nghiêm trọng hơn.
- Không bôi kem đánh răng lên chỗ bị bỏng là một quan niệm sai lầm, trong kem đánh răng có chứa một lượng ít base, khi thoa lên vùng bỏng chỉ khiến bệnh nhân đau đớn hơn.
- Không làm vỡ các nốt phỏng để tránh tình trạng nhiễm trùng.