Tập thể dục đã được chứng minh là có nhiều lợi ích cho sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần. Việc này mang lại rất nhiều điều tốt đẹp và có thể giúp bạn sống lâu hơn. Đây cũng là một trong những thói quen của những người sống thọ nhất. Chỉ cần tập 30 phút mỗi ngày là cơ thể đã bắt đầu xuất hiện nhiều thay đổi tích cực.
Các chuyên gia khuyên bạn nên duy trì vận động hàng ngày, dù bận cũng nên tìm những cách gián tiếp cho cơ thể hoạt động. Tuy nhiên theo chuyên gia vật lý trị liệu Jasmine Marcus tại New York (Mỹ), nếu tập thể dục mà xuất hiện 4 dấu hiệu sau thì nên nghỉ ngơi kẻo tạo áp lực cho cơ thể, gây thêm nhiều bệnh nguy hiểm.
4 dấu hiệu cho thấy cần ngưng tập thể dục kẻo ốm nặng
1. Cảm thấy đau nhức
Jasmine chia sẻ, sau khi tập thể dục nặng hoặc mới tập mà bạn gặp tình trạng đau nhẹ thì nên dừng ngay. Đây giống như một "lời cầu cứu" từ cơ thể rằng nó đang không được khỏe, đừng cố gắng tập thêm kẻo bệnh. Dấu hiệu này còn được gọi là đau cơ khởi phát chậm (DOMS) hoặc hiện tượng sốt cơ.
Đau nhức sau khi tập luyện là kết quả của tình trạng viêm và tổn thương mô cơ. Lúc này cơ thể đang muốn bạn nghỉ ngơi để phục hồi và sửa chữa. Ngoài ra, tập thể dục khi đang bị đau khiến cơ thể khó đạt kết quả tập luyện tốt, tăng nguy cơ chấn thương trong thời gian dài.
2. Thấy mệt mỏi, cáu giận vô cớ
Một trong những lợi ích của tập thể dục là giúp cơ thể khỏe mạnh, ổn định tâm trạng nhưng nếu sai cách sẽ dẫn đến điều ngược lại. Jasmine cho hay, tập thể dục quá nhiều sẽ làm tăng mức độ hormone căng thẳng trong cơ thể, đó là cortisol và epinephrine. Chúng sẽ làm mất cân bằng nội tiết và gây nên tâm trạng cáu giận.
Bên cạnh đó, tập luyện quá độ sẽ làm cơ thể luôn thấy mệt mỏi, không thoải mái dẫn đến kém tập trung, dễ phân tâm… nên dễ bị chấn thương nhiều hơn. Vậy nên khi thấy cơ thể quá mệt, tâm trạng không ổn thì hãy ngưng tập thể dục vài ngày cho sức khỏe ổn định. Không nên vì giảm cân mà cố sức.
3. Chóng mặt kéo dài
Theo Mitchell Starkman – nhà vật lý trị liệu thể thao làm việc tại Canada, nếu sau tập luyện khá lâu mà bạn vẫn thấy chóng mặt hay mệt mỏi, đó không phải là dấu hiệu tốt mà hãy ngưng tập ngay. Chóng mặt một chút thì bình thường nhưng khi chúng xuất hiện thường xuyên lại là tín hiệu xấu.
"Chóng mặt tạm thời thường diễn ra khi chúng ta thay đổi tư thế luyện tập. Tuy nhiên nếu xảy ra quá nhiều thì bạn phải đi khám ngay. Một lý do khác khiến bạn chóng mặt có thể là do chế độ ăn uống, nếu để bụng đói khi tập thể dục sẽ dễ thấy bủn rủn tay chân và chóng mặt" – Mitchell cho biết.
4. Khó ngủ, ngủ không ngon giấc
Tập thể dục đóng vai trò lớn cho một giấc ngủ ngon, giúp cơ thể thư giãn, giảm căng thẳng và cân bằng lại đồng hồ sinh học nên dễ đi vào giấc ngủ. Thế nhưng đến nửa đêm bạn vẫn trằn trọc thì hãy cẩn thận, có thể bạn đang tập luyện quá sức và dẫn đến chứng mất ngủ.
Theo chuyên gia sức khỏe Chelsea Axe, mất ngủ là dấu hiệu cho thấy hệ thống thần kinh giao cảm của bạn đang gặp trục trặc. Lúc này, hệ thần kinh giao cảm sẽ hoạt động quá mức và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hoặc tỉnh giấc giữa chừng.
Vậy lúc nào có thể tập thể dục trở lại?
Câu trả lời tưởng chừng như khó nhưng lại rất đơn giản: Hãy lắng nghe cơ thể và tâm trí bạn. Chuyên gia Jasmine chia sẻ, khi bạn cảm thấy cơ thể tràn đầy năng lượng hoặc về lại sức khỏe bình thường, không còn đau nhức hay mệt mỏi gì nữa, hoặc muốn tập luyện… thì bạn đã sẵn sàng để tập thể dục trở lại.
Theo Insider, Health