Box: Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc nghẽn đột ngột động mạch nuôi tim còn gọi là động mạch vành gây thiếu máu nuôi tim, tổn thương tế bào cơ tim dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim, đột tử... Bệnh lý này rất nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong lên tới 50%.
Theo các chuyên gia y tế, ăn uống thiếu lành mạnh, áp lực công việc, thói quen ngồi lâu, lười vận động và chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim ở người trẻ.
Đặc biệt, nhồi máu cơ tim được xếp là 1 trong những cấp cứu khẩn cấp nhất trong y khoa, nên tốt nhất hãy chú ý đến 4 dấu hiệu cảnh báo quan trọng sau đây để kịp thời đến bệnh viện, tránh hậu quả không thể cứu vãn:
1. Mệt mỏi, lo lắng bất thường
Mệt mỏi, kiệt sức bất thường là triệu chứng khó tránh khỏi khi cơn nhồi máu cơ tim sắp ập đến. Bạn có thể bị kiệt sức ngay cả khi chỉ thực hiện các công việc nhẹ nhàng mà trước đây vẫn thường làm, bao gồm cả đi bộ hay leo cầu thang. Triệu chứng này lặp đi lặp lại nhiều ngày liên tục và càng trở nên tồi tệ hơn khi cơn nhồi máu cơ tim đến gần.
Ngoài ra, bạn cũng thấy mình nhạy cảm, dễ lo lắng, căng thẳng hơn bình thường. Cảm giác bồn chồn này thường gặp ở 100% người bệnh nhồi máu cơ tim. Nó sẽ xuất hiện trong vài tuần trước khi cơn nhồi máu diễn ra và mức độ tăng dần theo từng ngày.
2. Đau tức ngực
Mặc dù đau thắt ngực là dấu hiệu điển hình của cơn nhồi máu cơ tim, nhưng chỉ 57% bệnh nhân có dấu hiệu báo trước này.
Khác với cơn đau tức ngực thông thường, cơn đau do nhồi máu cơ tim thường khởi phát bằng cảm giác ớn lạnh khắp cơ thể và rất dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm. Đau sẽ thành từng cơn, đau quặn thắt vùng ngực, nhất là ngực trái, đi kèm cảm giác khó thở.
Ở giai đoạn đầu, cảm giác đau tức ngực thường xuất hiện khi gắng sức và có thể thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Nhưng đến khi sắp xảy ra nhồi máu cơ tim, cơn đau thường đến đột ngột, không cần vận động hay gắng sức. Nó có thể xảy ra ngay cả lúc bạn ngủ và thường xảy ra vào lúc nửa đêm về sáng hoặc khi thời tiết thay đổi bất thường.
3. Đau bất thường ở 1 số bộ phận trên cơ thể
Khi có vấn đề về tim, bộ phận phản ứng đầu tiên là ngực, nhưng khi bệnh nặng hơn, nhiều bộ phận khác trên cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các chuyên gia cho biết, đau hoặc tê cánh tay xảy ra ở trên 80% người bị nhồi máu cơ tim giai đoạn đầu. Nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim mô tả rằng họ bị đau đớn đến tột độ hoặc ngứa ran và sưng phù cánh tay.
Tuy nhiên, cũng có tới hơn 40% người bệnh bị đau lưng, vai, hàm mà không hề có cơn đau ở ngực trái. Cơn đau này thường xuất phát từ vùng giữa ngực, sau xương ức và xuyên qua lưng hoặc lan lên hàm.
Ngoài ra, bạn cũng đừng bỏ qua 1 dấu hiệu phổ biến cảnh báo bệnh khác là đau, nhức đầu thường xuyên. Điều này xảy ra ở khoảng 43% bệnh nhân, nhất là phụ nữ. Đau đầu thường đi liền với nhầm lẫn về mặt ý thức, gây suy giảm trí nhớ, mất tập trung.
4. Rối loạn giấc ngủ và tiêu hóa
Các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng, có tới 29% người bệnh bị khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc kéo dài trước cơn nhồi máu cơ tim. Đặc biệt, không ít người vẫn tiếp tục bị rối loạn giấc ngủ, thậm chí phải nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ ngày cả sau khi con nhồi máu cơ tim đã qua đi.
Ngoài ra, các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa không rõ lý do như trướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn ói hoặc ợ nóng, liên tục đi vệ sinh cũng là triệu chứng rất thường gặp trước khi nhồi máu cơ tim ập đến.
Tuy nhiên, vì chủ quan nên rất nhiều người trẻ thường nhầm lẫn nó với bệnh tiêu hóa thông thường, không kịp thời phát hiện hay cấp cứu, dẫn đến tử vong hoặc để lại nhiều di chứng sau điều trị.
Nguồn và ảnh: Sohu, Healthline, MSN