Trong mỗi loại thực phẩm đều chứa một lượng vitamin, dưỡng chất nhất định, là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Để nguồn dinh dưỡng đó không bị hao bớt, được cơ thể hấp thụ đầy đủ thì công đoạn chế biến trước khi ăn là rất quan trọng.
Sau đây là 4 “kỹ thuật” giúp bạn trong quá trình chế biến không làm hao hụt nguồn vitamin, dinh dưỡng quý giá trong thực phẩm, giúp cơ thể hấp thụ chúng một cách hoàn chỉnh nhất.
1. Nấu cháo, thổi cơm không nấu chung với thực phẩm có tính kiềm
Nhiều người thích thêm một số chất chứa kiềm (quen thuộc nhất là nước dừa, rau chân vịt, bông cải xanh...) khi nấu cháo, thổi cơm vì nghĩ rằng chúng sẽ giúp cho gạo dẻo, cung cấp chất xơ và có vị thơm ngon hơn.
Như mọi người đã biết, vitamin B trong lương thực rất kém bền, khó tồn tại trong môi trường kiềm. Kết quả khi sử dụng những chất chứa kiềm, vitamin B1, vitamin B2… sẽ mất đi một nửa.
Đặc biệt như các loại cháo khá khó nấu như cháo nấu với ngô, các loại đậu rất giàu vitamin B1, B2. Nếu thêm kiềm vào nấu cùng thì tình trạng mất vitamin càng nghiêm trọng hơn.
2. Sơ chế rau nên rửa trước, cắt sau
Rau chứa nhiều vitamin tan trong nước, như vitamin C. Nếu thái, cắt nhỏ rau rồi mới rửa, các vitamin tan trong nước rất dễ theo nước trôi đi mất.
Ngoài các loại rau, cắt nhỏ nấm, ớt, bỏ cuống nho để rửa đều là những sai lầm thường thấy trong sơ chế các món ăn.
3. Xào, chần thức ăn nên để lửa lớn
Để lửa lớn khi nấu có thể làm rút ngắn thời gian nấu ăn nhất có thể. Điều này cũng tương đương với nguyên tắc “nhiệt độ cao, thời gian ngắn” được áp dụng trong ngành thực phẩm khi sản xuất đồ hộp.
Mục đích của lửa to, thời gian nấu ăn rút ngắn đó chính là đảm bảo tối đa chất dinh dưỡng, hạn chế hao hụt mức thấp nhất các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm.
4. Mua trước ăn trước, làm trước ăn trước
Rất nhiều gia đình có thói quen mua rất nhiều thực phẩm về rồi để tủ lạnh, tích trữ trong vài ngày, điều này sẽ khiến chúng mất đi vitamin cần thiết.
Một khi các loại rau xanh được hái xuống, quá trình sản xuất chất dinh dưỡng trong rau cũng bị gián đoạn, nhưng quá trình tiêu hao chất dinh dưỡng lại không bị dừng, bởi vậy các chất dinh dưỡng trong rau sẽ càng ngày càng ít đi sau khi được hái xuống.
Chất dinh dưỡng bị hao hụt này nhiều nhất là vitamin tan trong nước. Nếu lấy vitamin C làm ví dụ, vitamin C trong rau sẽ sụt giảm 50 đến 80% trong 7 ngày bảo quản. Rau dù cho vào tủ lạnh cũng sẽ bị thối rữa, tốt nhất mua về nên chế biến luôn.
Ngoài ra, thức ăn chế biến phải là thực phẩm tươi. Những đồ để lâu mất rất nhiều chất dinh dưỡng, thậm chí bị nhiễm khuẩn, hình thành một số chất không tốt cho sức khỏe.
Nguồn: Sohu, The Healthy