Mụn trứng cá có lẽ là nỗi khổ khó nói nhất của hội con gái vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến dung nhan bên ngoài. Đặc biệt, khi có mụn thì bạn cũng cần chăm sóc và bảo vệ da mặt nhiều hơn. Việc tự ý điều trị mụn "tại gia" không đúng cách có thể làm tình trạng mụn càng trở nên tồi tệ.
Dưới đây là những sai lầm điển hình trong việc điều trị mụn mà bạn cần sửa ngay và luôn!
1. Lạm dụng kem bôi
Nếu chưa tham khảo ý kiến từ bác sĩ mà đã tự ý ra hiệu thuốc và mua một số loại kem trị mụn về bôi thì hậu quả sẽ rất khôn lường đó. Bởi bạn sẽ không thể biết rõ được thành phần trong những loại kem trị mụn có thể phản ứng với cơ địa da của mình hay không. Thậm chí, việc cố bôi kem ở nhà có thể kích thích sự tăng sản các tuyến bã nhờn, làm cho tuyến bã nhờn tiết ra nhiều và gây tổn thương trên da.
2. Nặn mụn bằng tay
Nhiều người cho rằng hành động nặn mụn sẽ làm nhân mụn nhanh xẹp và giúp da nhanh được tái tạo trở lại. Tuy nhiên, nếu nặn mụn quá nhiều thì sẽ để lại sẹo và làm tình trạng nhiễm trùng càng nghiêm trọng hơn.
3. Rửa mặt thường xuyên
Thường thì da bị mụn sẽ tiết nhiều dầu và có xu hướng nhờn ẩm hơn do tuyến bã nhờn tiết ra tương đối mạnh. Vì thấy bề mặt da bóng nhờn nên các cô gái sẽ chăm rửa mặt hơn, nhưng thực chất việc làm này không hề có tác dụng loại bỏ mụn.
Dù da có bị mụn hay không thì việc rửa mặt mỗi sáng và tối là điều cần thiết, nhưng không nên rửa mặt quá thường xuyên. Một khi lớp bảo vệ trên bề mặt da bị phá hủy thì da càng dễ nổi mụn. Do đó, bạn chỉ nên rửa mặt 2 lần vào buổi sáng và buổi tối để tránh làm mất đi lớp bảo vệ da.
4. Dùng nhiều sản phẩm trị mụn cùng lúc
Trên thị trường hiện tại có rất nhiều sản phẩm điều trị mụn được bán tràn lan. Nhưng không phải cứ sử dụng càng nhiều sản phẩm thì mụn sẽ càng nhanh hết đâu bạn nhé!
Trái lại, việc dùng nhiều sản phẩm trị mụn cùng lúc chẳng những khiến da dễ bị tổn thương mà còn làm ảnh hưởng tới quá trình điều trị mụn. Vậy nên, bạn hãy cân nhắc kĩ khi sử dụng các sản phẩm trị mụn và tốt hơn hết là tìm đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi bắt đầu quá trình điều trị.
Nguồn và ảnh: Sohu, Healthline