Hầu như ai trong chúng ta cũng đều mong muốn được sống lâu, sống thọ và khỏe mạnh. Thực tế là các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực ở khắp nơi trên thế giới đang liên tục tìm kiếm thông tin mới về cách kéo dài tuổi thọ con người.
Trong một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences (viết tắt là PNAS - tạm dịch "Hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ"), các nhà nghiên cứu đã xem xét nhiều yếu tố liên quan đến tuổi thọ. Họ đã xác định được 57 yếu tố xã hội và hành vi góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong sớm ở Mỹ.
Trong các yếu tố này, có nhiều yếu tố là những thói quen và hành vi có thể sửa đổi được. Ngoài nghiên cứu trên, có nhiều nghiên cứu khác cũng tìm hiểu về những thói quen xấu có thể tác động tiêu cực đến tuổi thọ.
Dưới đây là tổng hợp những thói quen xấu được cho là có thể rút ngắn tuổi thọ:
1. Hút thuốc
Những người hút thuốc lá tử vong sớm hơn khoảng 10 năm so với những người không hút thuốc.
Theo nghiên cứu đăng tải trên PNAS, những người đang hút thuốc và những người có tiền sử hút thuốc có nguy cơ tử vong sớm cao nhất.
Thông kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng góp phần chứng minh cho điều này: Hút thuốc lá gây ra hơn 480.000 ca tử vong mỗi năm ở Mỹ, trong đó có hơn 41.000 ca tử vong do hít phải khói thuốc. Những người hút thuốc lá tử vong sớm hơn khoảng 10 năm so với những người không hút thuốc.
Nồng độ nicotin cao trong thuốc lá có tác động lớn đến phổi và tim. Không chỉ vậy, hút thuốc còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gây nhiễm trùng nặng hơn.
Bác sĩ Panagis Galiatsatos, phó giáo sư tại Trường Y Johns Hopkins (Mỹ) và là bác sĩ chuyên về phổi, cho biết: "Các hóa chất trong thuốc lá dẫn đến một cuộc tấn công liên tục vào phổi".
Ngoài ung thư, hút thuốc có thể gây ra nhiều bệnh về phổi như viêm tiểu phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và viêm phổi. Tiến sĩ Galiatsatos cho biết thêm: "Nếu những người hút thuốc bị nhiễm virus hoặc vi khuẩn, họ sẽ có nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn. SARS-CoV-2 và Covid-19 tồi tệ hơn ở những người hút thuốc".
2. Lạm dụng rượu
Ngoài tai nạn và chấn thương liên quan đến say rượu, rượu còn làm tăng nguy cơ xơ gan, bệnh gan và nhiều loại ung thư.
Lạm dụng rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mà có thể ngăn ngừa được ở Mỹ. Viện Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu Quốc gia Mỹ (NIAAA) ước tính có khoảng 88.000 người Mỹ (khoảng 62.000 nam giới và 26.000 phụ nữ) chết vì các nguyên nhân liên quan đến rượu hàng năm. CDC Mỹ ước tính hơn 100.000 người Mỹ chết vì các nguyên nhân liên quan đến rượu mỗi năm.
George Koob, giám đốc (NIAAA), cho biết có khoảng 200 loại bệnh và chấn thương liên quan đến rượu có thể gây tử vong.
"Thậm chí mọi người cũng có thể gián tiếp mất mạng vì rượu. Trong số 10.000 người Mỹ chết vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia vào năm 2018, chỉ có 60% trong số họ là những người lái xe có vấn đề về rượu", Koob nói.
"Đó thường là hành khách hoặc người trong phương tiện khác. Khi lạm dụng, rượu là một chất độc, ảnh hưởng tới cả hành vi và sinh lý".
Ngoài tai nạn và chấn thương liên quan đến say rượu, rượu còn làm tăng nguy cơ xơ gan, bệnh gan và ung thư gan, ung thư thanh quản, hầu họng, thực quản và ung vú.
3. Không hoạt động thể chất
Một nghiên cứu cho thấy 9,9% trường hợp tử vong ở những người từ 40-69 tuổi (9,9%) có thể là do không hoạt động thể chất.
Tại Mỹ, cứ 7 người trưởng thành thì có khoảng 1 người không hoạt động thể chất, theo một cuộc khảo sát do CDC Mỹ và các sở y tế tiểu bang thực hiện. Một nghiên cứu của CDC năm 2018 cho thấy 9,9% trường hợp tử vong ở những người từ 40-69 tuổi (9,9%) có thể là do không hoạt động thể chất. Ngoài ra, khoảng 3,2 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm là do không hoạt động thể chất, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bác sĩ Eudene Harry, giám đốc y tế của Trung tâm Sức khỏe và Trẻ hóa Oasis, định nghĩa hoạt động thể chất là "di chuyển cơ thể của bạn với đủ lực để cung cấp máu, oxy và chất dinh dưỡng cho mọi hệ thống cơ quan trong cơ thể để giúp chúng hoạt động với công suất tối ưu".
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị mọi người bắt đầu từ 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải mỗi tuần (bao gồm đi bộ nhanh, bơi lội, khiêu vũ hoặc đạp xe). Bác sĩ Harry cho biết việc thiếu hoạt động thể chất có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, "từ não đến xương và hệ thống tiêu hóa".
Bác sĩ Harry nhấn mạnh rằng ngồi lâu có liên quan đến việc tăng nguy cơ béo phì, huyết áp cao, bệnh tim và tiểu đường loại 2, cùng nhiều bệnh mãn tính khác có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm. Các bệnh có khả năng gây tử vong khác liên quan đến không hoạt động thể chất bao gồm loãng xương, thiểu cơ, gãy xương hông (làm tăng tỷ lệ tử vong ở người lớn tuổi), trầm cảm, mất trí nhớ và đột quỵ.
4. Ngủ quá ít (hoặc quá nhiều)
Ngủ quá ít hay quá nhiều đều không tốt cho tuổi thọ.
Thời gian ngủ có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ. ◊Trong các nghiên cứu dịch tễ học, ngủ quá ít (dưới 6 tiếng) hoặc quá nhiều (hơn 9 tiếng) đã được chứng minh là khiến con người có nguy cơ tử vong cao hơn.
Chất lượng cuộc sống cũng có ảnh hưởng: Một giấc ngủ ngon có thể giúp bạn tránh khỏi căng thẳng, trầm cảm và bệnh tim.
Bạn có thể thực hiện một số mẹo giúp cải thiện chất lượng và thời gian ngủ, chẳng hạn như tắt đèn tối, điều chỉnh nhiệt độ ở mức mát mẻ, tránh xa thiết bị điện tử trước khi ngủ. Thiền có thể tạo tiền đề cho một giấc ngủ ngon và nghe nhạc nhẹ nhàng hay đọc sách có thể giúp bạn thư giãn.
Nếu bạn vẫn bị khó ngủ dù đã thử mọi cách, hãy đến gặp bác sĩ để được trợ giúp thêm.
(Nguồn: Very well health, The healthy)