Hơn 40.000 người chết⁄năm liên quan tới "món" nhiều người Việt nghiện mê mẩn

Ở Việt Nam, sử dụng thuốc lá giết chết hơn 40.000 người mỗi năm. 21% ca tử vong ở nam giới Việt Nam là liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay, tổn thất kinh tế cho điều trị 5 nhóm bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, mất khả năng lao động và tử vong sớm ở Việt Nam là khoảng 24.000 tỉ đồng năm 2012, tương đương mất gần 1% GDP của Việt Nam.

Kết quả Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam năm 2020 của Bộ Y tế cho thấy, gần 50% nam giới trưởng thành tại Việt Nam hút thuốc. Hiện nay phụ nữ và trẻ em đối diện với tình trạng hút thuốc thụ động cao tại gia đình và các địa điểm công cộng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới các bệnh tật và tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu thực trạng: "Các sản phẩm thuốc lá được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức và thông qua nhiều kênh thông tin, trong đó có nhiều thông tin chưa kiểm chứng hoặc dễ gây ra những cách hiểu không chính xác về tác hại cũng như mức độ nguy hại của các dòng sản phẩm so với thuốc lá điếu. Thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua các trang mạng xã hội và internet".

Theo các chuyên gia y tế, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam quá thấp. Mức tăng thuế và giá trong những năm qua chậm hơn mức tăng thu nhập bình quân đầu người và lạm phát. Đây là lí do khiến thuốc lá ngày càng rẻ hơn và dễ mua hơn. Cần tăng mạnh thuế thuốc lá và chuyển đổi sang hệ thống thuế hỗn hợp để giảm sức mua thuốc lá, giảm sử dụng thuốc lá và giảm gánh nặng kinh tế, sức khỏe do thuốc lá.

Cần thiết tăng thuế thuốc lá

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế (WHO) tại Việt Nam cho hay, tăng mạnh thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm gánh nặng sức khoẻ và kinh tế do thuốc lá. Bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới và cả thực tiễn ở Việt Nam những năm qua cho thấy tăng thuế không phải là nguyên nhân chính làm gia tăng buôn lậu, tăng thuế có tác động tích cực đến công ăn việc làm và nền kinh tế nói chung. Chính phủ các nước trên thế giới đã tăng thuế thuốc lá và đạt được kết quả thành công trong việc giảm sử dụng thuốc lá và tăng thu ngân sách ngay cả khi có tình trạng buôn lậu bất hợp pháp. Nhiều chuyên gia nhận định, lo ngại buôn lậu không phải lí do để trì hoãn tăng thuế thuốc lá, thay vào đó Chính phủ nên thực hiện các biện pháp kiểm soát buôn lậu hiệu quả.

Tại Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá hiện đang áp dụng là thuế tỉ lệ ở mức 75% tính trên giá xuất xưởng (giá bán ra của nhà sản xuất hay nhập khẩu). Tỉ lệ này tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%. Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước trong khu vực như Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%, Myanmar 50% và các nước phát triển Úc: 62%, Đức: 75%, Pháp 80%...

Các chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá cũng thông tin thêm: Việt Nam đang áp dụng loại hình thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo tỉ lệ phần trăm tồn tại nhiều hạn chế. Bổ sung thuế tuyệt đối vào cơ cấu thuế TTĐB là giải pháp phù hợp để cải tiến hệ thống thuế và phù hợp với xu hướng trên thế giới. Ưu điểm của hệ thống thuế hỗn hợp: giảm khoảng cách về giá giữa loại sản phẩm cao cấp và giá rẻ; dễ quản lí; giảm nguy cơ chuyển giá giữa nhà sản xuất và công ty phân phối dẫn đến thất thu thuế cho chính phủ; dự đoán được tổng thu và có tác động y tế công cộng lớn hơn.

Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, WHO ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi (tác động mạnh hơn so với nhóm người trưởng thành). Tăng giá thuốc lá thông qua thuế thuốc lá có thể bảo vệ sức khoẻ trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên khỏi các nguy cơ tử vong, và bệnh tật do sử dụng thuốc lá thông qua thúc đẩy bỏ thuốc, ngăn chặn hút mới, giảm số điếu hút.