Ngày 3/6, hàng nghìn bệnh nhân ung thư tại Anh ghi danh chương trình thử nghiệm vaccine do BioNTech phát triển, có thể là bước ngoặt trong cuộc chiến chống ung thư. Các bác sĩ tin rằng loại vaccine cá nhân hóa sẽ tạo ra kỷ nguyên mới trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Các nhà khoa học lấy mẫu từ khối u của bệnh nhân ung thư và phân tích mã di truyền của nó. Sau đó, họ sử dụng thông tin di truyền (mRNA) của khối u để phát triển vaccine dành riêng cho bệnh nhân trong phòng thí nghiệm.
Khi tiêm vào cơ thể, vaccine đưa ra hướng dẫn để tế bào tạo ra một phần khối u vô hại, nhưng đủ để nhận biết nhằm kích thích phản ứng hệ miễn dịch. Quá trình này huấn luyện hệ miễn dịch phát hiện yếu tố ung thư và tự bảo vệ trong tương lai, ngăn khối u quay trở lại.
Đây chỉ là một trong nhiều phương pháp giúp thế giới thoát khỏi một trong những nguyên nhân gây tử vong lớn nhất hàng năm. Thực tế, tỷ lệ sống sót sau ung thư đã tăng gấp đôi trong 40 năm qua, nhưng khoảng 167.000 người vẫn tử vong mỗi năm vì căn bệnh.
Kevin Harrington, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Ung thư Anh, lạc quan rằng những tiến bộ mới sẽ cải thiện kết quả điều trị ung thư. "Trong 20 năm nữa, tôi tự tin chúng ta sẽ chữa khỏi được số lượng bệnh nhân ung thư lớn hơn bằng những phương pháp điều trị thông minh và tử tế hơn nhiều so với các phương pháp hiện tại", ông nói.
Bên cạnh vaccine, giới y học cũng ghi nhận nhiều đột phá khác trong điều trị ung thư.
Thuốc ngăn ngừa ung thư phổi
Nghiên cứu trên lorlatinib mới đây cho thấy thuốc có thể ngăn bệnh ung thư phổi tiến triển trong 5 năm, lâu hơn bất kỳ phương pháp nào trong lịch sử y khoa.
Lorlatinib hoạt động bằng cách nhắm mục tiêu và ngăn chặn các thụ thể được tìm thấy trên các tế bào ung thư, còn gọi là kinase u lympho không sản sinh (ALK). Trong một số bệnh ung thư, thụ thể này sẽ hoạt động quá mức, làm cho các tế bào phát triển và phân chia nhanh hơn. Bằng cách ức chế ALK, thuốc có thể làm chậm hoặc ngừng sự phát triển tế bào của tế bào ung thư.
Dữ liệu nghiên cứu của lorlatinib được trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ (ASCO) ngày 31/5, một trong những hội nghị ung thư lớn nhất thế giới. Kết quả cho thấy 60% số bệnh nhân được ung thư phổi còn sống sót sau 5 năm dùng thuốc, bệnh không tiến triển. Tỷ lệ ở các bệnh nhân điều trị liệu pháp tiêu chuẩn trước đây là 8%.
Đây là thời gian sống sót không tiến triển (PFS) dài nhất từng được ghi nhận ở người mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) - dạng bệnh phổ biến trên thế giới.
Lorlatinib đã có sẵn tại NHS, nhưng chỉ dành cho bệnh nhân không thể điều trị bằng các liệu pháp khác. Khoảng 80 bệnh nhân đủ điều kiện dùng thuốc mỗi năm. Chi phí điều trị là khoảng 167 bảng Anh (213 USD) mỗi ngày dựa trên giá niêm yết.
Năm ngoái, thuốc từng bị Viện Y tế và Chăm sóc Sức khỏe Xuất sắc (NICE) từ chối phê duyệt sử dụng rộng rãi do thiếu bằng chứng về độ an toàn.
Thuốc tiêu diệt tất cả khối u rắn
Các nhà khoa học phát triển một loại thuốc hiệu quả tiêu diệt tất cả khối u rắn (lành và ác tính) mà không ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh. Thuốc có tên AOH1996, được đặt theo tên của Anna Olivia Healy, một bệnh nhân ung thư nguyên bào thần kinh đã qua đời vào năm 2005, khi mới 9 tuổi.
AOH1996 nhắm vào một loại protein có trong hầu hết bệnh ung thư, giúp khối u phát triển và nhân lên trong cơ thể. Protein này là kháng nguyên nhân tế bào tăng sinh (PCNA), từng được nhận định là không thể tiêu diệt.
AOH1996 tiêu diệt tế bào ung thư một cách có chọn lọc bằng cơ chế phá vỡ chu kỳ sinh sản bình thường của khối u, ngăn không cho các tế bào DNA bị lỗi tiếp tục phân chia, khiến chúng không thể sao chép được nữa. Điều này khiến các tế bào ung thư tự chết đi mà không gây hại cho các tế bào khỏe mạnh.
"Hầu hết biện pháp điều trị trúng đích đều tập trung vào một con đường duy nhất. Nhưng điều này cho phép ung thư biến đổi, cuối cùng trở nên kháng thuốc", tiến sĩ Linda Malkas, giáo sư tại Khoa Chẩn đoán Phân tử và Trị liệu Thực nghiệm, người đứng đầu nhóm nghiên cứu thuốc, giải thích.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định con đường đưa thuốc đến tay người bệnh còn khá xa. Dù các thử nghiệm và cuộc đánh giá độ an toàn, hiệu quả đều thực hiện cấp tốc, có thể 5 đến 10 năm nữa, AOH1966 mới được chấp thuận ở Anh.
Thuốc viên tiêu diệt các tế bào ung thư có tên gọi AOH1996. Ảnh: PA
Phương pháp điều trị phòng ngừa ung thư vú
Anastrozole, còn được gọi là chất ức chế aromatase, làm giảm lượng hormone estrogen mà cơ thể bệnh nhân tạo ra bằng cách ngăn chặn enzyme aromatase. Đây là estrogen kích thích sự phát triển của một số bệnh ung thư. Anastrozole đã được cấp phép ở Anh để điều trị ung thư vú, sau đó gia hạn giấy phép và chỉ định như một biện pháp phòng ngừa.
Cơ quan Y tế Anh (NHS) cho biết sẽ cung cấp thuốc cho phụ nữ sau mãn kinh, có nguy cơ mắc ung thư vú trung bình hoặc cao. Nhóm này bao gồm người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú, người sở hữu gene đột biến như BRCA1, được gọi là gene Angelina Jolie, làm tăng nguy cơ ung thư.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng anastrozole có thể giảm gần một nửa nguy cơ mắc bệnh ung thư vú nếu dùng hàng ngày trong 5 năm.
"Nếu lo lắng về việc mắc ung thư do tiền sử gia đình, tốt nhất phụ nữ mãn kinh nên nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa để đưa ra quyết định phù hợp", Melanie Surtevant, Phó Giám đốc chính sách tại Viện Ung thư Vú Mỹ cho biết.
Thuốc tăng cường hệ miễn dịch ngừa ung thư
Liệu pháp miễn dịch, khai thác sức mạnh của chính cơ thể để tấn công khối u, đã cách mạng hóa việc điều trị ung thư. Nicholas Turner, bác sĩ tư vấn y tế về ung thư tại Royal Marsden NHS Trust, cho biết: "20 năm trước, ở người có khối u ác tính di căn, tỷ lệ sống sót trung bình là khoảng 7 tháng. Hầu như không ai khỏi bệnh".
Ngày nay, nhờ liệu pháp miễn dịch, tỷ lệ sống sót tăng lên khoảng 40%, ông nói thêm. Tuy nhiên, ung thư là một loại bệnh phức tạp. Các khối u có thể tìm cách vô hiệu hóa tạm thời tế bào miễn dịch, ngăn chặn cuộc tấn công của hàng rào bảo vệ cơ thể. Kết quả, tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở bệnh nhân rất thấp.
Thuốc mới có tên "chất ức chế điểm kiểm soát" ngăn chặn ung thư tấn công hệ miễn dịch. Chúng nhắm vào protein cụ thể, có tên PD-1.
"Tuy nhiên, khi chúng ta phát hiện cách ngăn chặn ung thư vô hiệu hóa hệ miễn dịch, khối u sẽ tìm ra cách khác lây lan. Chúng ta cần một loại thuốc khác để 'dồn ung thư vào chân tường' bằng cách không cho nó tắt hệ miễn dịch", giáo sư Kevin Harrington, Viện Nghiên cứu Ung thư, cho biết.
Loại thuốc này có tên relatlimab, giúp ngăn chặn protein LAG-3, giúp các liệu pháp miễn dịch tác dụng trên nhiều người và nhiều loại ung thư hơn.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ vừa phê duyệt Opdualag, thuốc kết hợp giữa relatlimab và chất ức chế điểm kiểm soát PD-1, nhằm điều trị khối u ác tính tiến triển, không thể loại bỏ bằng phẫu thuật.