Đường ruột được chia thành ruột non và ruột già. Ruột non là phần dài nhất của đường tiêu hóa, với tổng chiều dài từ 5 - 7 mét. Chức năng chính của ruột non là tiết ra dịch ruột non giàu enzym tiêu hóa giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng, đồng thời hoàn thiện chức năng tiêu hóa của cơ thể thông qua các cơn co thắt nhịp nhàng. Đây cũng là cơ quan miễn dịch lớn nhất trong cơ thể con người, sự đa dạng của vi khuẩn trong ruột non đóng một vai trò quan trọng.
Còn ruột già được chia thành đại tràng và trực tràng. Chức năng chính của ruột già là hấp thụ nước và chất điện giải từ cặn thức ăn được vận chuyển từ ruột non, đồng thời hình thành, lưu trữ và bài tiết phân.
5 hành vi gây tổn thương đường ruột
Trong xã hội hiện đại, cả ruột già và ruột non đều phải đối mặt với nhiều yếu tố gây tổn thương, mắc bệnh hơn. Trong đó, bác sĩ Ly Zhaobing thuộc Bệnh viện Nhân dân Quzhou (Quý Châu, Trung Quốc) liệt kê ra 5 hành vi gây tổn thương đường ruột phổ biến nhất sau đây:
Ăn uống không lành mạnh
Ruột làm việc chăm chỉ và hiệu quả, chịu trách nhiệm tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng khác nhau cũng như loại bỏ chất thải. Tuy nhiên, thói quen ăn nhiều đường, nhiều chất béo, ít chất xơ của người hiện đại giống như những cuộc “bắn phá” liên tục, làm tổn hại nghiêm trọng đến cấu trúc bên trong của ruột và sự cân bằng của vi sinh vật.
Chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương đường ruột (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, ăn kiêng quá mức hoặc ăn quá nhiều không chỉ làm tăng gánh nặng cho đường ruột mà còn ức chế sự phát triển của vi khuẩn có lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại lợi dụng chúng.
Thức khuya, ngủ không đủ giấc
Thức khuya và ngủ không đủ giấc làm gián đoạn nhịp sinh học, kích thích dạ dày tăng tiết axit, tổn thương các tế bào niêm mạc tiêu hóa, ảnh hưởng đến sinh trưởng của lợi khuẩn trong đường ruột.
Chu kỳ giấc ngủ không đều dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như mệt mỏi liên tục và suy giảm máu nuôi cũng như chức năng co bóp của ruột non. Đồng thời, thói quen xấu này này còn làm suy giảm miễn dịch, tạo điều kiện cho hại khuẩn đường ruột phát triển và gây bệnh tật cho hệ tiêu hóa, bao gồm cả đường ruột. Muốn đường ruột khỏe, hãy học cách ngủ sớm trước 23 giờ, ngủ ít nhất 6 tiếng và không quá 10 tiếng mỗi ngày, nên có giờ ngủ và thức dậy cố định.
Căng thẳng kéo dài
Căng thẳng tâm lý mà con người hiện đại phải đối mặt cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng bình thường của ruột. Căng thẳng có thể cản trở hoạt động của ruột bằng cách ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nó cũng có thể dễ dàng dẫn đến viêm và phản ứng dị ứng, đồng thời cũng có thể khiến ruột trở nên mỏng manh do suy giảm miễn dịch.
Bên cạnh đó, căng thẳng hay những cảm xúc tiêu cực khác như lo âu, chán nản… kéo dài còn làm cơ thể mệt mỏi và làm giảm lưu lượng máu đến ruột, thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, rối loạn co bóp ruột non. Các nghiên cứu cho thấy căng thẳng làm giảm sự đa dạng và thay đổi cấu trúc vi khuẩn như gia tăng số lượng hại khuẩn clostridium, giảm lợi khuẩn lactobacillus.
Lạm dụng thuốc
Nhiều người cho rằng lạm dụng thuốc chỉ hại cho thận, gan, có thể gây đau dạ dày mà không biết rằng nó cũng làm tổn thương đường ruột.
Việc sử dụng kháng sinh và các loại thuốc khác không đúng cách giống như những “mũi tên độc” thường xuyên tấn công hệ vi sinh vật có lợi trong ruột. Bất cứ khi nào các loại thuốc này được sử dụng một cách bừa bãi, chúng sẽ giết chết một số lượng lớn vi sinh vật có lợi, gây tổn thương lâu dài cho đường ruột, làm suy yếu khả năng miễn dịch và khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn.
Lười vận động, ngồi lâu một chỗ
Sự tiện lợi của cuộc sống hiện đại đã làm giảm đáng kể hoạt động của con người, lối sống thiếu vận động khiến nhu động ruột chậm lại. Điều này giống như việc bao vây lãnh thổ của chúng ta, cản trở quá trình thải chất thải hiệu quả, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính của cơ thể và khiến môi trường đường ruột càng trở nên tồi tệ hơn.
Lười vận động, căng thẳng kéo dài rất có hại với lợi khuẩn trong đường ruột (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, thói quen ngồi lâu một chỗ khiến lưu lượng máu tới đường ruột bị suy giảm. Đồng thời sự co bóp của ruột cũng bị ảnh hưởng, trạng thái của ruột bị chèn ép liên tục - nhất là những người ngồi sai tư thế. Ngồi lâu, thiếu vận động cũng làm tăng nguy cơ béo phì, tích mỡ nội tạng và viêm nhiễm gây tổn thương đường ruột.
3 tín hiệu sớm nhất khi đường ruột tổn thương
Theo bác sĩ Ly Zhaobing, khi đường ruột tổn thương sẽ phát ra 3 tín hiệu sớm và điều quan trọng là chúng ta không được xem nhẹ.
Bất thường về tiêu hóa
Cảm giác khó chịu và đau bụng dai dẳng có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm, nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn bên trong. Nếu cơn đau kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, đó là dấu hiệu chắc chắn rằng đường ruột của bạn đang rất cần được giúp đỡ. Chứng khó tiêu tái phát, nếu kèm theo cảm giác no hoặc ợ hơi thường xuyên, có thể cho thấy lượng enzym tiêu hóa tiết ra không đủ, không dung nạp thức ăn và nhu động ruột không đủ.
Thay đổi thói quen đại tiện
Táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính, khó khăn hoặc đau khi đi tiêu. Những thay đổi này có thể cho thấy rối loạn chức năng nhu động ruột hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn trong ruột, chẳng hạn như bệnh viêm ruột hoặc thậm chí là khối u đường ruột. Phân đen hoặc có máu là dấu hiệu cảnh báo sớm.
Hãy cẩn trọng với những rối loạn tiêu hóa, cảm giác đau bụng kéo dài vì đó là tín hiệu đường ruột tổn thương (Ảnh minh họa)
Chúng có thể xảy ra khi xuất huyết tiêu hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau (như loét, bệnh viêm ruột, polyp ruột, u ruột). Tất nhiên, đôi khi phân đen cũng liên quan đến thực phẩm ăn vào nhưng khi thay đổi chế độ ăn sẽ biến mất ngay.
Thay đổi về thể chất
Giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi và mất năng lượng. Sức khỏe đường ruột bị tổn hại có thể dẫn đến việc hấp thụ không đủ chất dinh dưỡng, từ đó ảnh hưởng đến mức năng lượng cung cấp cho cơ thể, dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống và suy giảm miễn dịch.
Nguồn và ảnh: QQ, Health News