Bác sĩ Ly Zhaobing thuộc Bệnh viện Nhân dân Quzhou (Quý Châu, Trung Quốc) cho biết: “Muốn dạ dày khỏe thì việc đầu tiên cần chú ý đó là chế độ ăn uống. Nhưng không phải ai cũng biết đâu là thói xấu gây hại hay phải ăn uống ra sao để bảo vệ dạ dày. Đặc biệt, nhiều người mà nhất là người trẻ tuổi ngày nay không chú trọng chế độ dinh dưỡng, coi ăn uống là một cách giải tỏa áp lực hoặc hưởng thụ mà ăn tùy hứng theo sở thích. Những điều này khiến dạ dày tổn thương và mắc bệnh”.
Ông cũng liệt kê ra 5 kiểu ăn uống “tàn phá” dạ dày nhanh nhất, các bác sĩ tiêu hóa không bao giờ làm nhưng lại rất phổ biến trong đời sống hàng ngày là:
1. Thường xuyên ăn đồ cay
Theo mô tả của bác sĩ Lý, đây là kiểu ăn uống “vị giác thích thú nhưng dạ dày đau khổ”. Vị cay gây nóng, kích thích quá mức, thậm chí làm sưng phù niêm mạc thực quản và ruột. Nó cũng gây rối loạn tiết axit dịch vị, dẫn tới đau bụng, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu và trào ngược dạ dày thực quản. Nhất là đối với các món ăn có nhiều thực phẩm chứa capsaicin như ớt, tiêu…
Thường xuyên ăn các món cay nóng dễ gây tổn thương dạ dày, thực quản và đường ruột (Ảnh minh họa)
Với những người tiêu hóa kém hay vốn mắc bệnh dạ dày, việc ăn đồ cay nóng sẽ làm tình trạng bệnh nặng thêm rất nhanh. Chưa kể, ăn cay chỉ thích thú cho vị giác nhất thời, về lâu về dài vẫn gây hại. “Những người thường xuyên sử dụng ớt hay đồ ăn cay quá mức trong bữa ăn hàng ngày có thể khiến cho vị giác của lưỡi quá tải, dẫn đến việc tiếp nhận các chất trong thực phẩm bị ảnh hưởng, thậm chí làm mất cả khả năng phân biệt vị” - ông nói.
2. Ăn không đúng bữa
Bác sĩ Lý cảnh báo, ăn uống thất thường, không đúng bữa, không đúng giờ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh dạ dày. Các nghiên cứu cho thấy, khi ăn đúng giờ, dạ dày sẽ tiết dịch vị tiêu hoá thức ăn, nhưng nếu bạn ăn uống thất thường, dạ dày vẫn duy trì thói quen đó. Lâu dần, cơ chế cân bằng giữa sự tiết và bảo vệ bị rối loạn dẫn đến bệnh đau dạ dày, viêm loét hoặc ung thư dạ dày.
Chưa kể, sự thất thường về giờ giấc ăn này còn làm đồng hồ sinh học của toàn bộ cơ thể, khiến hệ miễn dịch suy yếu và dạ dày dễ bị mầm bệnh tấn công hơn. Tốt nhất là ăn đúng bữa và lặp lại mỗi ngày vào khoảng thời gian nhất định. Đặc biệt là ăn tối quá muộn, ăn khuya sẽ ép dạ dày làm việc quá tải, khiến dịch vị dạ dày tiết ra quá mức gây ăn mòn niêm mạc dạ dày.
3. Ăn quá nhiều muối
Nhiều người thích món ăn nêm nếm đậm đà, có thói quen ăn mặn mà không biết nó hại thế nào. Trong khi bác sĩ Lý giải thích: “Lượng muối cao sẽ làm giảm tiết axit dạ dày, giảm khả năng phòng vệ của niêm mạc dạ dày. Khi đó, hàng rào chất nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày sẽ dễ bị tổn thương, làm tăng nguy cơ viêm teo dạ dày.
Đặc biệt, muối tương tác với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) gây viêm loét dạ dày và tá tràng. Loại vi khuẩn này là nguyên nhân của 80 - 90% các trường hợp mắc viêm loét dạ dày, tá tràng”.
Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy những ai thường xuyên ăn đồ ăn mặn có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một người trưởng thành nên tiêu thụ dưới 5g muối mỗi ngày.
4. Ăn quá nhanh, không tập trung khi ăn
Nếu ăn quá nhanh, thức ăn sẽ không được tiêu hóa kỹ ở khoang miệng, trực tiếp chuyển đến dạ dày khi vẫn còn ở dạng thô. Điều này làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng và thời gian làm việc cho dạ dày, làm mệt mỏi cơ bắp dạ dày và giảm nhu động dạ dày. Đây là nguyên nhân chính gây đau dạ dày và các bệnh dạ dày nguy hiểm khác nếu duy trì trong thời gian dài.
Không tập trung khi ăn là thói xấu hại dạ dày rất nhiều người trẻ tuổi mắc phải (Ảnh minh họa)
Vì vậy, bác sĩ Lý khuyến nghị bữa ăn nên kéo dài ít nhất 20 phút và nhai chậm, nhai kỹ. Bởi vì ăn quá nhanh không chỉ hại dạ dày mà còn dễ gây ăn quá nhiều, làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường cùng nhiều bệnh khác. Ngoài ra, cũng nên tập trung khi ăn, không nên vừa ăn vừa nói chuyện hay xem vô tuyến, điện thoại…
Bởi duy trì thói xấu này lâu ngày có thể gây đau dạ dày, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tiêu hóa thức ăn, nuốt phải dị vật vào dạ dày, viêm loét dạ dày do rối loạn tiết axit dịch vị… Không tập trung khi ăn cũng dễ khiến bạn ăn nhiều hơn mà không biết. Như vậy không những làm dạ dày quá tải, suy yếu mà còn làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì.
5. Ăn quá ít rau củ, trái cây
Bác sĩ Lý cho biết, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tăng cường ăn rau củ và trái cây có thể làm giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa. Chế độ ăn ít rau và trái cây là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày, ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ và 11% số trường hợp đột quỵ.
“Bên cạnh đó, bản thân việc ăn ít rau xanh và trái cây sẽ dẫn tới thiếu hụt chất xơ cùng nhiều vitamin, dưỡng chất khác. Từ đó làm giảm nhu động ruột, khó tiêu hóa, táo bón, dạ dày bị làm việc quá sức và suy giảm chức năng. Táo bón lâu ngày còn có thể gây nên bệnh trĩ hoặc viêm ruột thừa” - bác sĩ Lý bổ sung thêm.
Ông khuyến nghị nên ăn ít nhất 450g trái cây và rau củ mỗi ngày. Một số trái cây có tính axit cao, dễ tạo sỏi thì không nên ăn khi đói như: hồng, dứa, cà chua… Đồng thời, nên tăng cường ăn các loại rau họ cải vì có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
Nguồn và ảnh: Sohu, Health People