Tất cả chúng ta đều biết rằng chế độ ăn uống có tác động rất lớn đến sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường. Bởi những gì họ ăn có thể gây ra sự tăng đột biến về lượng glucose trong máu.
Kiểm soát chế độ ăn uống là điều cần thiết, nhưng việc cắt giảm hoàn toàn carbs lại đem về những tác động không tốt cho sức khỏe. Bởi có những loại carbs lành mạnh nhưng cũng có những loại carbs làm tăng lượng đường trong máu.
Nếu bạn đang mắc tiểu đường hoặc đơn giản là đang muốn ổn định đường huyết thì hãy tiêu thụ 5 thực phẩm chứa lượng carbs lành mạnh dưới đây.
1. Đậu
Các loại đậu như đậu đen hoặc đậu thận là một nguồn thực phẩm giàu chất xơ và carbohydrate rất thích hợp cho bệnh nhân tiểu đường.
Thực phẩm giàu chất xơ có tác động tích cực đến sức khỏe tổng thể và trọng lượng cơ thể. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy nếu bạn thừa cân, bạn có thể đẩy lùi bệnh tiểu đường bằng cách giảm cân.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy những người thường thêm đậu vào chế độ ăn có thể giảm khoảng nửa kg so với những người không ăn chúng. Do đó, đậu là loại carbs lành mạnh mà bạn có thể đưa vào chế độ ăn uống của mình, dù có mắc bệnh tiểu đường hay không.
2. Một số loại trái cây
Nếu như bạn cho rằng trái cây chứa nhiều đường và carbohydrate vì thế nhất quyết loại bỏ chúng ra khỏi chế độ ăn thì đó quả là một quyết định sai lầm. Một nghiên cứu được công bố trên PLoS Medicine cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường ăn trái cây tươi hàng ngày có nguy cơ tử vong hoặc phát triển các biến chứng mạch máu liên quan đến bệnh tiểu đường thấp hơn so với những người hiếm khi ăn.
Tuy nhiên người tiểu đường nên lựa chọn những loại quả có chỉ số đường huyết thấp như đào, quả mọng, anh đào, quả mơ, táo...
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy rằng ăn khoảng 128g quả việt quất mỗi ngày có thể cải thiện lưu lượng máu và chức năng động mạch trong cơ thể của bạn. Điều này rất quan trọng đối với sức khỏe của người tiểu đường bởi nhóm người này có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
3. Sữa chua
Sữa chua đem lại rất nhiều công dụng cho sức khỏe, từ tăng cường khả năng miễn dịch đến cải thiện hệ tiêu hóa. Ngoài ra, nó cũng là một nguồn cung cấp canxi, carbs và protein tuyệt vời nên rất thích hợp cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Trong một nghiên cứu do Trường Y tế Công cộng Harvard dẫn đầu, người ta thấy rằng tiêu thụ nhiều sữa chua hơn thực sự có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên bạn cần sử dụng sữa chua không đường hoặc ít đường.
4. Hạt và quả hạch
Hạt và quả hạch là một nguồn cung cấp carbohydrate dồi dào. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường ăn quả hạch và hạt, họ có nguy cơ tử vong thấp hơn 27%.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, các loại hạt có thể cải thiện hơn nữa việc kiểm soát đường huyết của bạn, giúp giảm huyết áp, giảm viêm và cải thiện chức năng động mạch. Vì thế, hãy tăng cường bổ sung các loại hạt trong chế độ ăn của mình.
5. Hạt diêm mạch
Hạt diêm mạch là một loại ngũ cốc nguyên hạt có chứa protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất mà bạn sẽ không tìm thấy trong gạo. Hạt diêm mạch cũng có tác động thấp đến lượng đường trong máu. Vì vậy nó là một lựa chọn tốt hơn so với gạo.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Hoa Kỳ, người ta thấy rằng nếu tiêu thụ khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở phụ nữ sẽ giảm đi 7%.